Việt Nam có Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh đầu tiên

Chiều 25-7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ TT&TT, Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tiên Công nghệ thông tin (CNTT) và Công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (GSĐHĐTTM) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel).

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ngành địa phương.

Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh Huế chính thức ra mắt.

Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh Huế chính thức ra mắt.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai trương dịch vụ Trung tâm GSĐHĐTTM của tỉnh. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương dịch vụ Trung tâm GSĐHĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện Trung tâm GSĐHĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát ĐTTM gồm: Phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát ĐTTM, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá. Trong đó dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện đã có 85 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tiếp của người dân thông qua Trung tâm GSĐHĐTTM, gồm: 100% cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện; 100% phường thuộc TP Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện đã có 85 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tiếp của người dân thông qua Trung tâm GSĐHĐTTM, gồm: 100% cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện; 100% phường thuộc TP Huế.

“Thông qua những kết quả ban đầu đã mở ra một cách nhìn lạc quan về mô hình hoạt động điều hành tốt để tự tin tiếp tục phát triển. ĐTTM cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, vì vậy một khi người dân và doanh nghiệp đã tham gia vào hệ thống thì tính khả thi của chương trình càng cao và tính thực tiễn càng hiệu quả”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thực tế, mô hình tại Thừa Thiên – Huế đã được vinh danh là Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á tại giải thưởng Viễn thông Châu Á - Telecom Asia Awards 2019.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Nam phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Thanh Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel – đơn vị triển khai giải pháp, nhấn mạnh: “Mô hình triển khai ở Thừa Thiên – Huế đã được ứng dụng những công nghệ hiện đại 4.0 để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, Viettel cũng sẽ áp dụng tối đa các nền tảng công nghệ số với mục tiêu cung cấp hệ thống này đảm bảo liên thông, không trùng lặp, có khả năng mở rộng và an toàn thông tin”.

Trung tâm điều hành đô thi thông minh ở Huế.

Đây sẽ là mô hình cần được nghiên cứu và phát triển tại các địa phương.

Theo dự kiến, hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục được Viettel mở rộng và hoàn chỉnh vào năm 2020.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-co-trung-tam-giam-sat-dieu-hanh-do-thi-thong-minh-cap-tinh-dau-tien-554694/