Việt Nam có Trung tâm Xử lý tin giả

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật...

Giao diện trang nhận diện tin giả tingia.gov.vn - ảnh chụp màn hình.

Giao diện trang nhận diện tin giả tingia.gov.vn - ảnh chụp màn hình.

Ngày 12/1, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả, ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108 (Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam) và công bố ba nền tảng chuyển đổi số cho cơ quan báo chí.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, Cục đã xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp có địa chỉ tingia.gov.vn với chức năng là cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời là cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật; công bố tin xác thực.

Trang tingia.gov.vn có 4 chuyên mục chính gồm: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức. Bên cạnh đó, mọi cá nhân, tổ chức cũng có thể phản ánh tin giả qua đầu số 1800 8108. Tổng đài của Tập đoàn Viettel sẽ hướng dẫn người dân gửi thông tin.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn; chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.

Cùng với việc ra mắt Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố ba nền tảng chuyển đổi số cho cơ quan báo chí.

Cụ thể, thứ nhất là nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Nền tảng này cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, ứng dụng công nghệ trình bày nội dung và sẵn sàng mô hình thu phí của báo điện tử trong tương lai gần.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và lựa chọn đưa ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí sử dụng năm đầu tiên cho tất cả module cơ bản, toàn bộ hạ tầng bao gồm máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Thứ hai là nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội. Nền tảng này giúp cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời xu hướng thông tin, dư luận xã hội, qua đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần, đây là cách thức giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh tăng nhanh số lượng độc giả.

Để sử dụng khai thác nền tảng, các cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.

Và thứ ba là nền tảng phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của cơ quan báo chí, nhằm tạo lá chắn trong hoạt động trên môi trường số. Bộ sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống.

Khi cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai cac biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới, hỗ trợ cơ quan báo chí khắc phục kịp thời.

Thủy Diệu

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/viet-nam-co-trung-tam-xu-ly-tin-gia-20210112141810868.htm