Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới

Ngày 10/7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý I/2019. Theo đó, trong quý 1/2019, cả nước có 55,43 triệu lao động, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1.059.000 người, chiếm 2,17%.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi công bố Bản tin thị trường lao động quí I/2019

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi công bố Bản tin thị trường lao động quí I/2019

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, quý I/2019, cả nước có 1.059 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 3,28 nghìn người so với quý IV/2018 và giảm 7,98 nghìn người so với quý I/2018. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,17%, không thay đổi so với quý trước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng (giảm 0,82 điểm phần trăm so với quý IV/2018 và 1,17 điểm phần trăm so với quý I/2018). Các nhóm còn lại mức độ giảm không nhiều. Cụ thể, trong đó số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người, trung cấp là 52.700 người, đại học là hơn 124.000 người. “Con số hơn 1 triệu người thất nghiệp này không lớn lắm so với các thị trường lao động như Singapore, hay so với Mỹ chỉ như muối bỏ bể”. Hơn 1 triệu người lao động thất nghiệp (2,17%) là thấp. Thậm chí Việt Nam là 1 trong số 8 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Theo Bản tin, quý I/2019, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (2,79%); tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên lần lượt là 2,64%, 2,43%, 1,68% và 1,27%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (0,02%). Về việc làm, trong quý I/2019, số người có việc làm là 54,32 triệu người, giảm 207,71 nghìn người (0,38%) so với quý IV/2018 nhưng vẫn tăng 329,75 nghìn người (0,61%) so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng người có việc làm là nữ chiếm 47,75% (tăng 0,14 điểm phần trăm so với quý IV/2018); khu vực thành thị chiếm 33,02% tổng số người đang làm việc (tăng 0,27% điểm phần trăm so với quý VI/2018). Số lượng và tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm. Quý I/2019, cả nước có 19,30 triệu người đang làm việc trong khu vực này, giảm 620 nghìn so với quý IV/2018 và 1,52 triệu người so với cùng kỳ năm 2018.

Hai ngành có số lao động tăng nhiều nhất so với quý IV/2018 và cùng kỳ năm 2018 là công nghiệp chế biến, chế tạo và vận tải, kho bãi. Hai ngành có số lao động giảm nhiều nhất cả hai kỳ so sánh là nông lâm thủy sản và giáo dục - đào tạo.

Theo dự báo, quý II/2019, Chính phủ đẩy mạnh, giải ngân đầu tư công, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với đầu tư tư nhân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Xu hướng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Quý II/2019, GDP cả nước, ước tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo đánh giá của Navigos, xu hướng các doanh nghiệp đa quốc gia mở văn phòng tại Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bia rượu và mỹ phẩm dẫn đến việc tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối kinh doanh, marketing. Các vị trí thuộc khối văn phòng hỗ trợ cũng có nhu cầu tuyển dụng tăng, bao gồm các vị trí như: Nhân sự, hành chính, tài chính, kế toán. Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam dẫn đến nhu cầu tuyển dụng ở nhiều vị trí giám sát và quản lý

Dự báo quý IV/2019, tổng số việc làm sẽ đạt 54,58 triệu, tăng 262 nghìn người (tăng 0,48% so với quý I/2019 và tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2018). Một số ngành dự kiến có nhu cầu lao động tăng như: Chế biến, chế tạo (87.000 người); xây dựng (340.000 người), bán buôn bán lẻ (300.000 người). Bên cạnh đó, một số ngành có nhu cầu lao động giảm như: nông, lâm, thủy sản (giảm khoảng 200.000 người), khai khoáng (9.000 người), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (80.000 người).

Ngoài ra, theo Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý I/2019 của Navigos, xu hướng các DN đa quốc gia mở văn phòng tại Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, mỹ phẩm… dẫn đến việc tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối kinh doanh và marketing. Các vị trí thuộc khối văn phòng hỗ trợ cũng có nhu cầu tuyển dụng tăng, bao gồm các vị trí như: Hành chính, kế toán, nhân sự. Sản xuất công nghiệp cũng sẽ có chuyển biến tích cực, nhu cầu lao động ở một số ngành tăng cao.

PHƯƠNG MINH - MẠNH DŨNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/viet-nam-co-ty-le-that-nghiep-thap-nhat-the-gioi-d101400.html