Việt Nam coi cải cách cơ cấu là một ưu tiên chính sách

Từ năm 2014, Việt Nam coi cải cách cơ cấu là một ưu tiên chính sách, trong đó tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 30 (AMM 30) được tổ chức tại thủ đô Port Moresby, Pa-pua Niu Ghi-nê (PNG), ngày 15/11/2018. Theo Chương trình nghị sự Hội nghị AMM 30, các Bộ trưởng APEC thảo luận 2 chủ đề chính gồm tăng cường kết nối, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực (REI) và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và cải cách cơ cấu.

Nỗ lực cắt giảm các rào cản phi thuế quan, thúc đẩy thương mại tự do

Tại phiên làm việc buổi sáng ngày 15/11, các Bộ trưởng đã thảo luận nhiều nội dung hợp tác quan trọng xuyên suốt năm 2018. Cụ thể, cơ hội và thách thức trong khu vực và trên thế giới, cách thức tăng cường vai trò lãnh đạo của APEC thông qua các nỗ lực về REI, Rà soát và cách thức thúc đẩy việc hoàn thành các Mục tiêu Bô-go, Kinh tế mạng và kinh tế số, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ (MSMEs) thâm nhập thị trường quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cách thức xử lý các biện pháp phi thuế quan (NTMs), cải thiện kết nối trong nước và khu vực APEC, đầu tư hướng tới tăng trưởng toàn diện...

Ảnh minh họa

Ở phiên làm việc buổi chiều về Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm thông qua cải cách cơ cấu, các Bộ trưởng APEC thảo luận về tác động của chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông, giảm thiểu rủi ro mất việc làm thông qua phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kỹ năng, tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật, thúc đẩy lâm nghiệp - năng lượng - nông nghiệp và ngư nghiệp bền vững, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để duy trì cộng đồng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cách thức tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong nông nghiệp.

Tại Hội nghị AMM 30, với tư cách đồng Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kêu gọi các nền kinh tế APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại WTO trên cơ sở cân bằng các mục tiêu chính sách, tăng cường xây dựng năng lực trong đàm phán cho các nền kinh tế đang phát triển nhằm nắm bắt cơ hội do các Hiệp định thương mại khu vực/tự do (RTAs/FTAs) mang lại.

Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị AMM 30 là việc các Bộ trưởng APEC đã nhất trí thông qua Bộ Nguyên tắc xuyên suốt APEC về Các biện pháp phi thuế quan. Đây là thông điệp của APEC gửi đến cộng đồng quốc tế trong nỗ lực cắt giảm các rào cản phi thuế quan, thúc đẩy thương mại tự do và mở trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng trong khu vực và thế giới.

Việt Nam coi cải cách cơ cấu là một ưu tiên chính sách

Tại Hội nghị, Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân và cộng đồng kinh doanh, bảo đảm việc tiếp cận công nghệ số và vai trò bình đẳng của các thành phần xã hội bao gồm MSMEs, phụ nữ, thanh niên và nhóm yếu thế trong việc tham gia kinh tế mạng và số.

APEC cần thúc đẩy hơn nữa việc thực thi hai sáng kiến của năm APEC Việt Nam 2017 là Lộ trình APEC về Kinh tế mạng và số và Khuôn khổ APEC về Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong nỗ lực thực thi Khuôn khổ APEC về Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã tiến hành Nghiên cứu và Hội thảo về Hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử trong APEC. Với Hạ tầng chính sách về kinh tế số không theo kịp tốc độ phát triển của cách mạng số nên các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực sẽ rất hữu ích cho các nền kinh tế đang phát triển trong số hóa nền kinh tế.

Về cải cách cơ cấu, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trong khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế nói riêng.

Từ năm 2014, Việt Nam coi cải cách cơ cấu là một ưu tiên chính sách, trong đó tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Minh chứng cụ thể là năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh (trong đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 55% trên tổng số điều kiện kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi của quản lý của Bộ). Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cắt giảm 202 điều kiện kinh doanh (chiếm 36% tổng số điều kiện kinh doanh còn lại) trong thời gian tới.

Về thuận lợi hóa kinh doanh (EoDB), Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc nới lỏng các quy định đối với 10 lĩnh vực của chỉ số EoDB và sẽ các nền kinh tế APEC xây dựng các sáng kiến về thúc đẩy EoDB trong khu vực APEC.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201811/viet-nam-coi-cai-cach-co-cau-la-mot-uu-tien-chinh-sach-619552/