Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại về lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử

Trong 20 năm qua, ngành huyết học Việt Nam có những bước tiến rất nhanh, theo đó, đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang thực hiện như, điều trị nhắm đích bằng các loại thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân... đều đã được triển khai ở trong nước.

Ngày 24-25/11, gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ, Bỉ, Singapore, cùng các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ, các điều dưỡng đến từ các bệnh viện, trường đại học và Viện nghiên cứu tại Việt Nam đã tham dự Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022.

Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Các đại biểu dự Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022.

Theo báo cáo của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một số lĩnh vực chuyên khoa Huyết học - Truyền máu của Việt Nam đã thể hiện được tầm quan trọng cũng như sự phát triển vượt bậc, mang lại giá trị và hiệu quả của công tác điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta đã triển khai thực hiện thành công phương pháp ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố, áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại trong điều trị nhắm đích; đã thực hiện được thanh công trong việc khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc, thực hiện tầm soát gen bệnh tiến tới giảm dần số lượng trẻ em sinh ra bị bệnh tại một số địa phương.

Về lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Về lĩnh vực truyền máu, cũng đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh một cách chủ động, xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

"Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến. Việt Nam đã không rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu, ngay cả trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 lan rộng", PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư nói.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia quốc tế và nhà khoa học trong nước, sẽ có 9 phiên báo cáo theo các chuyên đề: Huyết học lâm sàng, Cận lâm sàng, Truyền máu, Tế bào gốc, Đông máu, Thalassemia, Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử… Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-da-lam-chu-nhieu-cong-nghe-hien-dai-ve-linh-vuc-di-truyen-sinh-hoc-phan-tu-post986088.vov