Việt Nam đã xây dựng được phong trào hiến máu rất mạnh mẽ

Hôm nay (7-4), hưởng ứng lời kêu gọi 'Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện', mặc dù giữa mùa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam nhưng nhiều người dân vẫn thực hiện nghĩa cử cao đẹp hiến những giọt máu của mình để cứu sống nhiều người bệnh hằng ngày, hằng giờ cần truyền máu để duy trì sự sống.

Phong trào hiến máu phát triển rất mạnh mẽ

Sau 20 năm phát động "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” (7-4), phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong 20 năm, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận được hơn 16 triệu đơn vị máu. Số lượng máu tiếp nhận được và tỷ lệ người dân tham gia hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2000, cả nước chỉ tiếp nhận được hơn 300.000 đơn vị máu; năm 2010, số đơn vị máu tiếp nhận đã gấp hơn 2 lần (hơn 600.000 đơn vị) thì đến năm 2019, toàn quốc đã tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Tỷ lệ HMTN cũng tăng nhanh từ gần 31% năm 2.000 lên 98,3% năm 2019; phấn đấu năm 2020 sẽ đạt 99%. Tỷ lệ dân số hiến máu năm 2000 đạt 0,3%, năm 2010 đạt 0,76% thì năm 2019 đạt 1,5%, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ đạt 1,6% dân số hiến máu. Riêng trong năm 2019, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% đơn vị máu là từ người HMTN; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%; tỷ lệ số đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt trên 44%.

Bác sĩ đang khám, kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tham gia hiến máu.

Bác sĩ đang khám, kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tham gia hiến máu.

Có được thành công đó của phong trào HMTN là nhờ mạng lưới công tác vận động HMTN toàn quốc ngày càng hoàn thiện và phát triển. Hiện đã có 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo HMTN cấp tỉnh, cấp huyện và 85% số xã, phường có Ban Chỉ đạo HMTN. Bên cạnh đó, những năm qua các chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn cũng được tổ chức thường xuyên, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước, được nhiều địa phương hưởng ứng và tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, bài bản vào các thời điểm khan hiếm máu như: Lễ hội Xuân hồng, Những giọt máu hồng hè, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6…

Cán bộ y tế phục vụ tại khu vực hiến máu được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ ý tế phòng dịch.

Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Mạnh Quân, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia cho biết, Việt Nam bắt đầu phát động từ 1994 nhưng chỉ mang tính tự phát nhưng từ năm 2000 khi Thủ tướng có quyết định vận động toàn dân hiến máu và lấy ngày 7-4 hằng năm là "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện", phong trào HMTN đã có cơ hội bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Từ đây không chỉ là tự phát mà còn có tính tự giác của cộng đồng, hệ thống tổ chức quy mô trên toàn quốc. “Việt Nam đã xây dựng được phong trào rất mạnh mẽ, với tỷ lệ hiến máu của cộng đồng đã lên tới 1,6% tỷ lệ dân số, trong khi đó nếu đạt 2% tỷ lệ dân số hiến máu đã có thể đủ đáp ứng nhu cầu máu điều trị. Đây là thành tựu mà không phải quốc gia nào cũng làm được”, TS Ngô Mạnh Quân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” 7-4, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN Trung ương và các cấp đều có kế hoạch triển khai các hoạt động. Hàng năm, đây là dịp có nhiều hoạt động sôi nổi để vận động người dân tham gia HMTN. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức vận động hiến máu có nhiều khó khăn, thay đổi, ảnh hưởng đến kết quả vận động hiến máu và người cần máu tại các bệnh viện.

An toàn hiến máu giữa mùa dịch

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào HMTN, người dân hạn chế tụ tập đông người nên số lượng máu thu về cho điều trị giảm nghiêm trọng, nhiều người bệnh phải hoãn điều trị hoặc mỏi mòn chờ nguồn máu hiến. Dịch có thể làm trì hoãn nhiều hoạt động xã hội nhưng sức khỏe người bệnh, nhu cầu máu điều trị thì luôn cao điểm. Chính vì vậy, các tổ chức vận động hiến máu vẫn nỗ lực từng ngày kêu gọi người dân tham gia hiến máu an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong vài tuần liên tiếp, Viện chỉ tiếp nhận được 50-60 đơn vị máu mỗi ngày (tại Viện và một số điểm hiến máu cố định) do hầu như không có lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư. Chưa năm nào mà Tháng Thanh niên và Ngày Toàn dân hiến máu lại có số lượng máu tiếp nhận thấp như vậy. Lượng máu toàn phần tiếp nhận giảm nghiêm trọng dẫn đến tiểu cầu cũng rất thiếu vì thời hạn bảo quản của tiểu cầu rất ngắn (3-5 ngày). Lượng máu dự trữ của Viện tính đến sáng 6-4 chỉ còn hơn 8.000 đơn vị máu. Trong đó, máu nhóm A chỉ còn chưa đến 1.000 đơn vị máu, chỉ chiếm 12% tổng lượng máu dự trữ (tỷ lệ nhóm máu này trong dân số khoảng 20%); trong khi máu nhóm AB thì lại còn đến gần 700 đơn vị, chiếm 8% tổng lượng máu dự trữ (tỷ lệ trong dân số chỉ khoảng 5%). “Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến người bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện có giảm, nhu cầu sử dụng máu cũng giảm nhưng Viện vẫn cần trung bình khoảng 700 đơn vị máu mỗi ngày để cung cấp cho các bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố”, TS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Thầy Thích Nguyên Thái tham gia hiến máu.

Có mặt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tham gia hiến máu, thầy Thích Nguyên Thái đến từ chùa Phúc Lâm, Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ, biết được tình trạng khan hiếm máu điều trị cho người bệnh đang diễn ra và hưởng ứng "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện" 7-4 thầy mong muốn chia sẻ những giọt máu của mình dành tặng cho người bệnh. Thầy nghĩ, việc hiến máu cứu người cũng từ tâm mình mà ra. Mọi người có đủ sức khỏe, hãy tham gia hiến máu cứu người bằng tấm lòng của chính bản thân mình.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà và anh Ngô Quang Hưng cùng tham gia hiến máu.

Đang nghỉ ở nhà để chống dịch, tuy nhiên khi biết Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân tham gia hiến máu cứu người, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà và anh Ngô Quang Hưng đến từ Hà Nội vẫn quyết tâm đi hiến máu.

Chị Hà chi sẻ, khi quyết định đi hiến máu, hai vợ chồng cũng rất cân nhắc, vì đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm khi ra khỏi nhà. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, hiến máu cứu người cũng là việc làm vô cùng cần thiết trong giai đoạn này, bởi còn rất nhiều người bệnh đang chống chọi với bệnh tất để giành giật sự sống vì thiếu máu.

Theo TS Ngô Mạnh Quân, năm nay là một năm rất đặc biệt trong lịch sử công tác truyền máu của Việt Nam khi chưa từng thấy khi nào phong trào HMTN lại chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh như thế. Mọi năm, Việt Nam vẫn thường chịu ảnh hưởng các dịch bệnh khác như: Cúm, sởi, sốt xuất huyết… tuy nhiên chưa có dịch nào tác động sâu rộng đến từng người dân và mọi mặt xã hội như dịch Covid-19. Cũng vì vậy nên lượng người đến hiến máu đã sụt giảm nghiêm trọng. Mọi năm, vào khoảng tháng 3, tháng 4 là thời điểm thường thu được lượng máu rất lớn từ người hiến tình nguyện, nhưng năm nay số lượng đã giảm tới 60% so với bình thường. “Trước tình hình sụt giảm lượng máu dự trữ trong khi nhu cầu máu điều trị vẫn cấp thiết từng ngày, chúng tôi đã áp dụng tích cực các biện pháp để kêu gọi, truyền thông tới người dân tham gia hiến máu và triển khai các biện pháp an toàn trong mùa dịch. Những ngày qua, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương liên tục huy động người hiến nhắc lại, tổ chức nhiều điểm hiến cố định tại các quận, huyện để người dân đến được dễ dàng hơn. Các biện pháp như sử dụng tổng đài gọi điện, nhắn tin, gửi email để kêu gọi người dân đến hiến máu”, TS Ngô Mạnh Quân chia sẻ.

Với phương châm “Hiến máu an toàn - đừng ngại Covid-19”, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân không chỉ trong "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" mà những ngày tới sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái tham gia hiến máu cứu người bệnh.

Bài và ảnh: THÁI SƠN-CÔNG THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/viet-nam-da-xay-dung-duoc-phong-trao-hien-mau-rat-manh-me-614582