Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo từ 16,5% lên 25% GDP.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo từ 16,5% lên 25% GDP.

Đây là một dự án luật khá đặc biệt và có lẽ sẽ được thảo luận nhiều chiều tới đây trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn diện, thuế nhập khẩu về 0 nên việc nhập khẩu thành phẩm về tiêu dùng là nhanh và rẻ hơn là sản xuất trong nước, thách thức không chỉ ngành chế biến, chế tạo nói riêng mà cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, dự luật này cũng thắp lên hy vọng đất nước có được nền công nghiệp mang tính “tự chủ, tự cường”, giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tham vọng ở các mốc 2030 và 2045.

Sau khi chương trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước năm 2020 đã được chính thức thừa nhận “không đạt” ở các Đại hội 12 và 13 vừa rồi, chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại vị trí của đất nước ở đâu trong quá trình phát triển trong tương quan với các quốc gia khác.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn một sang giai đoạn hai trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”.

Hay nói cách khác, nền kinh tế này mới vượt qua giai đoạn phát triển 0 (Độc canh, nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ) và đang ở giai đoạn 1 (Sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn, điều phối của nước ngoài) để chuyển sang giai đoạn phát triển 2 (phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài) trong quá trình phát triển 5 giai đoạn.

Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia trong thời gian tới cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đa số các quốc gia châu Á, đặc biệt là Asean, đã mắc “trần thủy tinh”, hay bẫy thu nhập trung bình để vươn lên giai đoạn 3 và 4. Chỉ có Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua giai đoạn 2 lên giai đoạn phát triển 3 (làm chủ và quản lý công nghệ, sản xuất hàng hóa chất lượng cao) và Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU vươn lên giai đoạn phát triển thứ 4 (có đủ khả năng trong cải tiến và thiết kế sản phẩm như người dẫn đầu toàn cầu).

Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải công nghiệp hóa quá sớm và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc sản xuất và thứ 53/100 về Yếu tố dẫn dắt sản xuất, thuộc nhóm Sơ khai được cho là bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khu vực ASEAN, Campuchia, Indonesia cũng được xếp vào nhóm Sơ khai như chúng ta.

Quá trình chuyển đổi hiện nay diễn ra tương đối chậm chạp, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ và các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, chưa tạo ra được sự lan tỏa và tận dụng tối đa hiệu quả của FDI đầu tư tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp trong nước quá hạn chế, chưa đủ sức để tiếp cận và tiếp nhận sự lan tỏa của khu vực FDI.

Việt Nam hiện tại gần như mới chỉ ở giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phát triển công nghiệp, đặc biệt là đối với các quốc gia đi sau như Việt Nam, cần một quá trình tuần tự và lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn phát triển để có thể từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam hiện tại gần như vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp, với việc tận dụng lợi thế cạnh tranh từ thâm dụng lao động giá rẻ, sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn của nước ngoài.

Do đó, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia trong thời gian tới (bao gồm xây dựng các đạo luật thúc đẩy phát triển công nghiệp) cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Một quốc gia được xếp hạng là “nền kinh tế công nghiệp mới nổi” khi quốc gia đó đã có những thành tựu đáng kể về công nghiệp hóa và GDP bình quân đầu người từ khoảng 10.000 USD đến 20.000 USD, theo UNIDO.

Với GDP bình quân đầu người khoảng 2.750 USD năm 2020 và tăng trưởng bình quân 5,9% trong thập kỷ qua, Việt Nam phải mất hàng chục năm nữa, nếu không sập bẫy thu nhập trung bình, để vượt qua tình trạng “nền kinh tế đang phát triển” và trở thành “nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% mỗi năm để đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Mức tăng trưởng như trên, dù rất cao so với mức trung bình 5,9% của thập kỷ 2010-2020, chưa thể giúp chúng ta đạt mục tiêu công nghiệp hóa trong thập kỷ tới.

Hay nói cách khác, nước ta cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt mức bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của UNIDO.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu công nghiệp nước ta không có những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao, cùng với yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo sao cho khu vực này đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cần thiết ngay bây giờ nếu không muốn lỡ nhịp như trước.

Còn nữa

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/viet-nam-dang-o-dau-trong-qua-trinh-phat-trien-n-474664.html