Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số

Những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số (CĐS) trong thời gian qua giúp Việt Nam ngày càng khẳng định chỗ đứng quan trọng trên 'bản đồ' CĐS của khu vực.

Trong bài viết mới đây, tờ Business Times của Singapore nhấn mạnh, Việt Nam đang ghi nhận tốc độ phát triển cao nhất trong các nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trích dẫn báo cáo thường niên lần thứ 5 về phát triển kỹ thuật số tại 11 thị trường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty dự báo và phân tích dữ liệu toàn cầu GSMA Intelligence, nhật báo này cho biết: Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất từ năm 2016 đến 2019. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đạt 49 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2018 và tăng 12 điểm so với năm 2016. Theo GSMA Intelligence, Việt Nam đạt được kết quả này nhờ ra mắt và phủ sóng nhanh mạng 4G trên phạm vi cả nước cũng như sự đóng góp của những cải tiến về “nhận dạng số, công dân số và phong cách số”.

 Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử. Ảnh: USAID

Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử. Ảnh: USAID

Có thể nói, CĐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Nhìn chung, CĐS là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội, đồng thời tái định hình cách con người sống, làm việc và liên hệ với nhau. Trên quy mô quốc gia, CĐS ảnh hưởng ngày càng lớn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP), năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Theo một nghiên cứu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Microsoft, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp vào GDP có thể tăng từ 6% vào năm 2017 lên tới 60% vào năm 2021. CĐS giúp tăng năng suất lao động từ 15% vào năm 2017 lên 21% vào năm 2020; trong khi đó, 85% công việc sẽ bị biến đổi từ năm 2021. Chính vì tầm quan trọng của CĐS, nhiều nước như: Anh, Australia, Đan Mạch, Israel, Singapore, Thái Lan... đã xây dựng và triển khai các chiến lược hoặc chương trình quốc gia về CĐS.

Việt Nam cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” đó khi quá trình CĐS đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong ngành tài chính, giao thông, du lịch và logistics. Trong khi đó, Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử để hướng tới Chính phủ số; hơn 30 thành phố trong cả nước cũng đang thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các dự án xây dựng và phát triển đô thị theo mô hình thông minh (Smart city). Việt Nam còn đang lấy ý kiến góp ý của người dân xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Cụ thể, chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7,5%/năm; phát triển lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số; đạt mức Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; mạng 5G phủ sóng toàn quốc...

Về tiềm năng phát triển CĐS của Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế nhận định rằng lĩnh vực này đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm, đầu tư phát triển nhằm đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, xã hội số. Ông Steve Hurn, Phó chủ tịch Công ty tích hợp dữ liệu và phần mềm Tibco cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn về nhân lực công nghệ với rất nhiều trường đào tạo chuyên ngành-những nơi cung cấp nguồn lao động công nghệ và khoa học dữ liệu chất lượng cao. Trong khi đó, Tập đoàn Cisco chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng (10,7%) để phục vụ quá trình CĐS.

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã giáng một đòn mạnh vào mọi ngành nghề, lĩnh vực trên thế giới. Tuy nhiên, chính dịch bệnh lại thúc đẩy sự tái phát triển của cơ sở hạ tầng, công nghệ và chuyển đổi mô hình làm việc. Trang Open Gov Asia nhận xét, tại Việt Nam, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã dần làm quen với môi trường làm việc trực tuyến, trong đó công nghệ và kỹ thuật số được ứng dụng đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, xu hướng thương mại điện tử, sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng internet. Open Gov Asia dẫn chứng một nghiên cứu của công ty giải pháp quản trị dữ liệu Orchestra Networks cho biết, kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025 so với khoảng 9 tỷ USD vào năm 2018. Mặc dù Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong thời kỳ CĐS như: An ninh mạng, áp lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, công nghệ di động... nhưng quốc gia này đã cho thấy quyết tâm phát triển kỹ thuật số lên tầm cao mới, Open Gov Asia kết luận.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-dang-tich-cuc-chuyen-doi-so-643500