Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua phát triển 'xanh'

Với việc lọt top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững, Việt Nam đang vượt lên trong 'cuộc đua xanh'.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong "cuộc đua xanh”.

Báo cáo tại phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 diễn ra chiều 12/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Văn Trung cho biết, tháng 9/2015, Liên hợp quốc cùng các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể.

Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.

Trong những năm vừa qua, quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020; đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách trên tất cả các ngành, lĩnh vực như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia thực hiện tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020...

Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách nêu trên đã thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Trung

Việt Nam đang vượt lên trong "cuộc đua xanh"

Nhìn nhận về nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, xét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thì Việt Nam xếp hạng không cao trong các bảng tổng sắp toàn cầu. Năm 2018 theo World Bank thì Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh.

Nhưng, cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Ông Lộc nhấn mạnh, như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong "cuộc đua xanh”.

Báo cáo về đóng góp của khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy cũng cho hay, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Trong năm 2017, chỉ số này tăng 12 bậc; năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126; và năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Kết quả chỉ số GII năm 2019 góp phần chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển bền vững và phát triển "xanh".

Lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm động lực

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, KH-CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong đóng góp đối với phát triển bền vững ở nước ta cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, cần đưa ra các giải pháp cụ thể, lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo là động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung các giải pháp về hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tiếp tục xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ phát triển; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Cùng đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; từng bước phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Việt Nam cần phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo.

Trong quá trình phát triển đó, một trong những điểm cần được đặc biệt chú ý là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

“Để mô hình hợp tác PPP bền vững, doanh nghiệp cần nhất là minh bạch“

Người lao động đang quan tâm đến điều gì ngoài lương?

Bàn về giải pháp phát triển bền vững trong thập niên mới

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/viet-nam-dang-vuot-len-trong-cuoc-dua-phat-trien-xanh-3520310.html