Việt Nam đạt những tiến bộ phát triển vượt bậc(*)

LTS- Nhân kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, chúng tôi xin trân trọng trích đăng bài phát biểu của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Vích-to-ri-a Qua-qua.

Hai mươi năm qua đã chứng kiến những tiến bộ phát triển vượt bậc của Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện nay cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập, và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn. Một thí dụ là hiện nay phần lớn người dân Việt Nam đã được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh ở Việt Nam là 59/100.000 trường hợp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. 95% số dân nông thôn Việt Nam có điện lưới, so với 83% ở Phi-li-pin và 74% ở In-đô-nê-xi-a. Việt Nam đã đạt được năm trong số tám Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt hai mục tiêu nữa vào năm 2015. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ sáu trên toàn cầu về tiến triển hoàn thành MDGs. Có thể nói những thành tựu của Việt Nam trong 20 năm qua là rất nổi bật.

Thành công của Việt Nam có được đầu tiên là nhờ vào tầm nhìn và quyết tâm lãnh đạo của Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó và khởi nghiệp của người dân Việt Nam. Là đối tác phát triển, WB rất tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường đáng nhớ này và được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. ODA dành cho Việt Nam trong 20 năm qua bao gồm cả ý tưởng, kiến thức và tài chính. Ba yếu tố này của quan hệ đối tác ODA đã hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và xã hội Việt Nam trong thời gian qua. Đối với WB, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam một cách hiệu quả về mặt ý tưởng trong giai đoạn đầu khi chúng tôi chưa thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam là một trong những điểm sáng trong quan hệ đối tác giữa hai bên.

Việt Nam tham gia vào WTO là một đỉnh cao trong việc hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam và đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Tại hội nghị bàn tròn Pa-ri 1993, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ 1,9 tỷ USD cho sự phát triển của Việt Nam. Kể từ đó thì mức cam kết ODA tăng dần, đặc biệt trong thập kỷ cuối của thế kỷ vừa qua. Năm 2011, tổng cam kết là 7,4 tỷ USD, trong đó số lượng đã ký là 6,3 tỷ USD. Tính tổng cộng, từ năm 1993, gần 52 tỷ USD hỗ trợ phát triển đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn nhất trong số ODA, khoảng 66% đã được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi các lĩnh vực khác như xã hội, nông thôn và phát triển kinh tế, môi trường mỗi lĩnh vực nhận được gần 10%. Nguồn ODA đã đóng vai trò kích thích đầu tư nước ngoài thông qua việc ODA đóng góp vào cải thiện môi trường kinh doanh cũng như qua việc tạo ra định hướng và xây dựng lòng tin.

Trong hai mươi năm qua, đã có tiến triển và đa dạng hóa mạnh mẽ của các loại hình ODA. Một nguyên nhân chính đóng góp vào sự thành công vượt bậc của quan hệ đối tác ODA của Việt Nam là do vai trò làm chủ quốc gia của Chính phủ trong tầm nhìn và chương trình nghị sự phát triển. Việt Nam đã tìm kiếm ý tưởng, tri thức và thậm chí cả tư vấn từ các đối tác phát triển và tìm cách để hiện thực hóa và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Điều này có nghĩa là ý tưởng của các đối tác phát triển không hề bị áp dụng một cách "rập khuôn và cứng nhắc". Chúng tôi đã cùng rút ra những bài học với các cơ quan đối tác của Việt Nam và kết quả đạt được trong hầu hết các trường hợp đã thật sự tốt hơn. Một nhân tố khác là Chính phủ đã sử dụng hỗ trợ ODA để thử nghiệm các lựa chọn chính sách khác nhau trong hàng loạt các ngành. Những thí điểm và thử nghiệm thành công đã được thể chế hóa trong hệ thống lập pháp, triển khai rộng rãi và nhân rộng thông qua các chương trình của Chính phủ hoặc các cơ quan cung cấp dịch vụ chuẩn mực.

Tuy nhiên, chặng đường phát triển của Việt Nam vẫn còn rất dài. Giảm nghèo đã đạt được những thành tựu ấn tượng nhưng vẫn còn mang tính dễ tổn thương cao. Kinh nghiệm từ các quốc gia thu nhập trung bình chỉ ra mối quan hệ đối tác ODA sẽ cần phải sâu rộng hơn và thậm chí cần tập trung hơn vào ý tưởng, tri thức và các giải pháp phát triển. Thương mại quốc tế, đầu tư tư nhân, thị trường tài chính trong và ngoài nước cần phải được sử dụng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển Việt Nam. Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để mở rộng cơ hội thương mại và đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại song và đa phương. Quan hệ đối tác thương mại là một phần quan trọng bảo đảm tài chính phát triển cho tương lai của Việt Nam. Việt Nam cũng cần xây dựng năng lực để sử dụng tối đa các nguồn tài chính khác mà không ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường hệ thống tài chính trong nước, bao gồm việc xây dựng thị trường tài chính nội địa và cải thiện khả năng sẵn sàng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế với mức giá chấp nhận được là một phần quan trọng trong kế hoạch này.

--------------------

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/21508302-.html