Việt Nam điểm báo |Số 13|: Vai trò quan trọng của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực sông Mekong

Trong tuần qua, báo chí quốc tế tiếp tục cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM TẠO ĐIỀU KIỆN CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN SÔI ĐỘNG TRỞ LẠI

Theo trang Bloomberg.com, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể tiếp cận nguồn vốn để vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Bài viết đưa ra một ví dụ cụ thể: Tập đoàn Novaland, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục vận hành dự án Grand Manhattan ở trung tâm Tp. Hồ Chí Minh. Dự án này bị tạm dừng thi công cách đây 5 tháng vì thiếu vốn. Công tác thi công được nối lại sau khi được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện gia hạn khoản vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong nhằm đưa lĩnh vực bất động sản của Việt Nam trở lại đúng hướng. Diễn biến này thu hút nhiều sự quan tâm vì là tín hiệu tích cực về việc tái khởi động các dự án trong năm 2023 sau một năm 2022 đầy khó khăn.

Bài viết dẫn lời Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới CBRE tại Việt Nam cho biết: “Đây là tin tuyệt vời cho thị trường bất động sản. Điều đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn trong ngành bất động sản mà các vấn đề pháp lý là thách thức lớn nhất”.
Hiện, hơn 150 dự án bất động sản tại Tp. Hồ Chí Minh bị đình chỉ, mà trong đó, vướng mắc pháp lý chiếm 70% nguyên nhân các công ty bất động sản gặp phải.

VIỆT NAM ĐỨNG ĐẦU ASEAN VỀ HẬU CẦN CẢNG BIỂN

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam và Campuchia là 2 nước có thời gian quay vòng cảng ngắn nhất ở ASEAN. Đây là thông tin được đăng tải trên Tờ Khmer Times của Campuchia.

Bài báo cho biết vận chuyển container ở Việt Nam và Campuchia có thời gian quay vòng cảng ngắn nhất trong ASEAN với thời gian trung bình của cả hai nước là 0,9 ngày. Trong dữ liệu hậu cần toàn cầu được công bố tại Washington (Mỹ) mới đây, Ngân hàng Thế giới cho biết đây là một trong những chỉ số hiệu suất chính mới bổ sung cho Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) của 139 nền kinh tế. Bài báo cũng cho biết trong số các thành viên ASEAN khác, Thái Lan có thời gian quay vòng thấp thứ hai (1 ngày), tiếp theo là Malaysia và Singapore (đều 1,2 ngày), Philippines (1,3 ngày), Indonesia (1,8 ngày) và Myanmar (2 ngày). Bài báo viện dẫn nhận định của Ngân hàng thế giới rằng số hóa đang cho phép các nền kinh tế mới nổi rút ngắn thời gian trễ cảng tới 70% so với các nước phát triển.

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM CHUẨN BỊ NHẬP KHẨU VÀ KINH DOANH KHÍ LNG

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát hành hồ sơ thầu nhằm mua lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng của Tập đoàn trên lộ trình trở thành nhà nhập khẩu chính LNG của quốc gia Đông Nam Á này. Đây là thông tin được trang Channelnewsasia đăng tải.

Trang Channelnewsasia cho biết gói thầu do Tập đoàn Dầu khí VN phát hành sẽ kết thúc vào ngày 11 tháng 5 tới. Theo đó, lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí VN có trọng lượng từ 50.000 tấn đến 70.000 tấn sẽ được vận chuyển từ ngày 1 tháng 6 và dự kiến cập bến Việt Nam vào ngày 31 tháng 7. Kho cảng dự kiến sẽ cung cấp từ 680.000 tấn đến 850.000 tấn LNG mỗi năm trong giai đoạn từ 2023 đến 2027. Bài báo đưa ra nhận định với bước tiến này, Việt Nam đang ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2035, song song với việc tiến hành điều chỉnh một số nhà máy hiện hữu sang hoạt động bằng hydrogen.

SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ VIỆT NAM BIẾN ĐỘNG DO NÔNG DÂN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH CANH TÁC

Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam đang trải qua nhiều biến động trong năm 2023 khi xuống mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Lý do của sự biến động này được tờ The Straitstimes của Singapore nhận định là do nông dân chuyển đổi mô hình canh tác.

Bài báo dẫn số liệu cho thấy vụ thu hoạch Cà phê vừa qua của Việt Nam có sản lượng giảm hơn 7% so với năm trước xuống còn 1,67 triệu tấn. Tác giả trích ý kiến của ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công Ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Simexco Daklak, cho biết nguyên nhân sản lượng thu hoạch vụ cà phê năm nay thấp là do nông dân chuyển đổi mô hình canh tác từ cà phê sang sầu riêng và các loại trái cây khác nhằm giảm chi phí phân bón và thu lợi nhuận cao hơn. Tác giả bài báo cho biết sản lượng giảm và nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy giá cà phê nội địa tăng vọt lên 53.000 đồng /kg vào tháng 4 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2014.

DU KHÁCH ẤN ĐỘ CHỌN DU LỊCH TẠI VIỆT NAM DO QUY TRÌNH CẤP THỊ THỰC DỄ DÀNG

Trang Indianexpress.com của Ấn Độ đăng tải bài viết cho biết đa số du khách Ấn Độ chọn du lịch tại Việt Nam do quy trình cấp thị thực dễ dàng.

Theo bài báo, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trong những điểm đến được du khách Ấn Độ nhất là tại thành phố Pune tìm kiếm nhiều nhất. Tác giả bài báo dẫn lời một cán bộ Công ty lữ hành Veena World tại Ấn Độ: “Đông Nam Á tiếp tục thu hút du khách. Một trong số đó là Việt Nam. Do thời gian chờ đợi cấp thị thực lâu đối với châu Âu trong khi quy trình này của Việt Nam lại dễ dàng, nên nước này đã trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch trong thời gian gần đây. Việt Nam có địa hình đa dạng và du khách có thể đi du ngoạn dài ngày.”

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA VIỆT NAM TRONG THÚC ĐẨY HỢP TÁC KHU VỰC SÔNG MEKONG

Khu vực sông Mekong là một khu vực xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nằm ở ngã ba của hai quốc gia có nền kinh tế phát triển ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực sông Mekong đóng vai trò quan trọng trong hội nhập và kết nối kinh tế khu vực. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực sông Mekong, mới đây, Tiến sĩ SD Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo kiêm Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ đã có bài phân tích được đăng tải trên trang The Times Of India.

Với nhan đề “Vai trò quan trọng của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực sông Mekong”, ngay đầu bài viết, tác giả SD Pradhan đã đề cập đến những thành tựu của Đồng bằng sông Cửu Long khi là một bộ phận của châu thổ sông Mê Công. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực màu mỡ sản xuất 50% sản lượng gạo của Việt Nam, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản, đóng góp 1/3 GDP cả nước nhưng vùng đồng bằng trũng thấp cũng là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Tác giả đưa ra nhận định, những năm qua, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Mekong và khởi xướng các kế hoạch mới cho sự phát triển toàn khu vực. Việt Nam nhận thấy quản lý xung đột nguồn nước, hợp tác khu vực và xây dựng năng lực nguồn nước xuyên biên giới là những vấn đề rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Từ đó, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam cùng với các quốc gia khác trong khu vực đi đến ký kết nhiều hiệp định xuyên biên giới mang tính bước ngoặt nhằm tạo thuận lợi phát triển nguồn lực và giao lưu hàng hóa.
Tác giả cũng viện dẫn tại Hội nghị khu vực được tổ chức tháng 4 vừa qua tại Lào, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định cam kết của Việt Nam hợp tác xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng, công bằng và lành mạnh, đồng thời chỉ ra rằng việc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do tác động biến đổi khí hậu, áp lực của yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng nguồn nước tăng mạnh đang ảnh hưởng đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và lương thực của tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Tác giả đánh giá Thông điệp và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện cam kết của Việt Nam đóng vai trò chủ động ứng phó với thách thức thông qua tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên khu vực bất chấp sự khác biệt chính trị, các vấn đề liên quan đến nghề cá, bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh kế của người dân ở các nước hạ lưu sông, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng…
Kết bài viết, Tiến sĩ SD Pradhan nhấn mạnh sự chủ động của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề của khu vực Mekong.

VIỆT NAM NỖ LỰC TÌM KIẾM SỰ ĐỒNG THUẬN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC SÔNG MEKONG

Cũng đề cập đến vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực sông Mekong, trang Moderndiplomacy.eu đăng tải bài viết của Giáo sư Pankaj Jha - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh, Đại học toàn cầu Jindal. Tác giả đã phân tích những nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển bền vững khu vực sông Mekong.

Giáo sư Pankaj Jhađã nhận định: các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan đã và đang nỗ lực để mang lại sự đồng thuận giữa các quốc gia khu vực Mekong cũng như mời gọi các đối tác đối thoại của ASEAN quan tâm đến sự phát triển của khu vực này. Theo đánh giá của tác giả, Việt Nam được ghi nhận trong việc nêu lên những vấn đề phát triển bền vững và phương hướng giải quyết các thách thức hiện hữu nhất là về vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp tại khu vực.

Một trong những nỗ lực của Việt Nam là nâng cao sự hiểu biết về khu vực và thu hút các đối tác phát triển bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu. Sự nỗ lực này đã trở thành hiện thực khi tác giả viện dẫn Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong giữa các quốc gia khu vực Mekong với Hoa Kỳ, viện trợ hơn 3,5 tỷ đô la Mỹ cho các quốc gia khu vực với nhiều hạng mục khác nhau như y tế, tăng trưởng kinh tế, hòa bình và an ninh, quản trị nhân sự, giáo dục, các dịch vụ xã hội cũng như hỗ trợ nhân đạo.

Tác giả cho biết là một quốc gia ven hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam phải đối mặt với những tổn thương nghiêm trọng về nguồn nước và dòng chảy, do vậy Việt Nam luôn đặt ra vấn đề về quản lý nguồn nước và cân bằng sinh thái trong và xung quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tác giả đã viện dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành trong cuộc họp gần đây của Ủy hội sông Mekong quốc tế, nhấn mạnh về sự cần thiết của việc thực hiện các biện pháp thiết thực đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cộng đồng khu vực. Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý việc sử dụng nguồn nước hợp lý trên cả dòng chính lẫn các nhánh của sông Mekong, từ đó, việc thành lập một trung tâm phân tích và hợp nhất dữ liệu khu vực sẽ rất hữu ích. Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định Việt Nam luôn nhận thức rằng sông Mekong là huyết mạch duy nhất cho các cộng đồng sống trên sông, khu vực này cần phải phát triển bền vững mà không làm suy yếu hệ sinh thái ven sông./.

MÓN BÚN ĐẬU MẮM TÔM ĐƯỢC GIỚI THIỆU ĐẾN THỰC KHÁCH MỸ

Mục “Ấn tượng Việt Nam” lần này đề cập tới một bài viết trên tờ New York Times, nói về món Bún đậu mắm tôm của Việt Nam – một món ăn dân dã mà không phải người Việt Nam nào cũng có thể ăn được. Vậy mà món ăn này đã vượt qua hàng nghìn km xa xôi để xuất hiện trong thực đơn của 1 nhà hàng ở New York, Mỹ.

Với tiêu đề “Nhà hàng Mắm phục vụ món ăn Việt Nam hấp dẫn nhất New York”, tác giả bài viết đã giới thiệu đến thực khách Mỹ món bún đậu mắm tôm đặc biệt của Việt Nam.

Tác giả cho biết bún đậu mắm tôm là món ăn mà người Hà Nội rất ưa thích, có thể dễ dàng mua được trên các con phố ẩm thực tại Việt Nam. Và để giới thiệu đến thực khách Mỹ một món ẩm thực đậm chất Việt Nam, một quán ăn nhỏ nhắn chuyên phục vụ món ăn Việt tại thành phố New York, Mỹ đã đưa vào thực đơn món bún đậu mắm tôm.

Qua thực tế trải nghiệm món ăn, tác giả cho biết chủ nhà hàng đã nỗ lực chế biến món ăn giống y hệt các quán ăn tại Việt nam với đậu phụ chiên giòn, bún lá, dưa leo và đương nhiên không thể thiếu rau thơm. Không chỉ vậy, chủ quán còn thêm vào mẹt đồ ăn cả chả cốm, món lòng và dồi lợn dân dã để thực khách tăng thêm khẩu vị.

Và điểm nhấn của món ăn này đến từ món nước chấm mà chỉ có Việt Nam mới có: đó là mắm tôm. Tác giả bài viết cho biết, ở Việt Nam không phải ai cũng có thể ăn được món mắm tôm này vì hương vị rất đặc trưng của nó, tuy nhiên tại nước Mỹ xa xôi, nó lại được các thực khách đón nhận nhiệt tình. Vào những ngày đẹp trời, để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn cũng như giúp người dân Mỹ trải nghiệm văn hóa Việt, nhà hàng Mắm cho các thực khách ăn trên những chiếc bàn nhựa được kê trên hè phố, thực khách vừa ăn vừa có thể ngắm đường phố xung quanh.

Tác giả cho biết, món bún đậu mắm tôm có thể giúp nhà hàng Mắm đã trở thành nơi thú vị nhất trong thành phố để ăn món ăn Việt Nam./.

Thực hiện : Hà Thu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/viet-nam-diem-bao-so-13-vai-tro-quan-trong-cua-viet-nam-trong-thuc-day-hop-tac-khu-vuc-song-mekong