Việt Nam - điểm đến thành công và năng động

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) đang là một trong những xung lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế quốc gia.

Khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế

Năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình hội nhập KTQT của Việt Nam. Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, đang đàm phán và chuẩn bị phê chuẩn, Việt Nam hứa hẹn trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới. Đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đã chủ động tiến hành đàm phán lại các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hình thành hiệp định mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Năm 2018, Hiệp định CPTPP được ký kết và phê chuẩn. Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy FTA với Liên minh châu Âu (EU), đã hoàn thành quá trình rà soát pháp lý. Đây là cơ sở cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định này trong thời gian tới. Việt Nam cũng ký FTA và Hiệp định Đầu tư ASEAN-Hồng Công (Trung Quốc); tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội (tháng 9-2018); thúc đẩy để cùng các nước ASEAN và các nước đối tác phấn đấu hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực với 6 nước đối tác, tiếp tục đàm phán FTA với Israel và FTA với khối EFTA (gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ)…

Hà Nội với cơ sở hạ tầng đồng bộ đang là một trong địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân (Hà Nội) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Hải.

Chia sẻ về những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập KTQT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, với nhiều bên, quy mô rộng, mức độ cam kết cao, thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đồng thời, các FTA thế hệ mới này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. “Các lợi ích lớn có thể nhận diện ngay được đó là tăng trưởng xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhìn nhận từ thực tiễn cho thấy, quá trình hội nhập KTQT hơn 30 năm qua đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt, hội nhập KTQT đã tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Vốn FDI giải ngân và xuất siêu lập kỷ lục

Phân tích từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, mạng lưới FTA Việt Nam tham gia sẽ mang đến cơ hội ưu tiên tiếp cận các thị trường quan trọng, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Điều này không chỉ có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam, mà cơ hội tăng cường thu hút FDI là không hề nhỏ. Sau nhiều năm thâm hụt cán cân thương mại, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với con số kỷ lục đạt 7,2 tỷ USD-cao gấp gần 3 lần so với năm trước. Đánh giá chung cho thấy tất cả thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA, như: ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong phát triển KT-XH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang ở tốp những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới hiện nay. Đáng chú ý, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới thời gian qua. Tính lũy kế đến ngày 20-1-2019, cả nước có 27.643 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Đặc biệt, điểm sáng trong thu hút FDI thời gian qua của Việt Nam đó là vốn giải ngân đạt mức kỷ lục, năm 2018, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Hay chỉ trong tháng 1-2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. “Con số giải ngân vốn FDI năm 2018 lập kỷ lục và có xu hướng gia tăng là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam. Nguồn vốn này không chỉ bổ sung năng lực mới cho nền kinh tế mà cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường, thể chế, chính sách của Việt Nam được củng cố. Không có niềm tin thì nhà đầu tư có thể đăng ký đầu tư nhưng chưa chắc đã giải ngân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Lý giải vì sao Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, những kết quả thu hút FDI thời gian qua có được là nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam... Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Đồng tình cao với quan điểm này, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, hiện Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam. Theo khảo sát, 70% DN Nhật Bản có phương châm mở rộng hoạt động kinh doanh, so với các nước khác, tỷ lệ này tương đối cao. “Động lực để các DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư tại Việt Nam là do: Doanh thu tăng; tiềm năng và tính tăng trưởng tại thị trường Việt Nam cao”, ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh.

Hội nhập KTQT là chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác KTQT của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong hội nhập KTQT. Đây là giai đoạn nước ta đi vào thực thi các cam kết KTQT, những cam kết FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao, lần đầu tiên cam kết thực hiện, như: Cam kết ràng buộc về cắt giảm thuế; quy tắc xuất xứ; dịch vụ và đầu tư; mua sắm của Chính phủ; lao động; DN nhà nước.... Điều đó sẽ tác động trực diện và sâu rộng đến kinh tế đất nước, các địa phương và DN, gia tăng sức ép cạnh tranh gay gắt hơn.

Theo đó, để hội nhập KTQT thành công, tại nhiều diễn đàn đối thoại kinh tế quan trọng trong và ngoài nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định, Việt Nam cam kết luôn duy trì ba ổn định, bao gồm: Ổn định về chính trị-an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, dễ tiên liệu, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh cao trong khu vực; nỗ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, liên quan tới định hướng thu hút FDI, Ban cán sự đảng Chính phủ cũng đang chủ trì xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” để trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI. Đây là cơ sở có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại. Điều này cũng cho thấy thông điệp nhất quán, Việt Nam đã và đang làm hết mình để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-diem-den-thanh-cong-va-nang-dong-567420