Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 13)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV " NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa: Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung người sáng lập ra vương triều Mạc. Nguồn: Internet.

Kỳ 13

Làng Cổ Trai tháng tư đang chìm trong ánh nắng mùa hè gay gắt, cây cối xanh rờn dưới nắng đung đưa theo gió. Làng mạc nhà cửa uốn quanh tạo nên những bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Xa xa tiếng sóng biển rì rào như bản nhạc muôn thuở. Giữa làng Cổ Trai nổi lên những tòa nhà lộng lẫy vàng son như cung điện. Đó là cung điện của Nhân Quốc Công Thái Phó Mạc Đăng Dung. Trong căn phòng sang trọng, Mạc Đăng Dung đang ngồi ở ghế tràng kỷ gỗ gụ chạm khắc hoa lá tinh xảo. Giữa phòng kê bàn thờ gia tiên bằng gỗ lim sơn son thếp vàng óng ánh, trên những bàn thờ đặt những lư hương sứ trắng in hình rồng phượng màu xanh. Trong những bài vị đặt trên bàn thờ, có bài vị trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, cụ tổ 7 đời của dòng họ Mạc. Mạc Đăng Dung vừa uống xong bát nước trà thì có tùy tướng vào báo:

- Dạ bẩm Quốc Công, có đoàn sứ bộ của hoàng thượng xe ngựa đến nơi đang chờ vào gặp.

Mạc Đăng Dung nói:

- Cho vào nhưng chờ ta mặc triều phục xong đã.

- Dạ, tuân lệnh Nhân Quốc Công.

Mạc Đăng Dung mặc triều phục xong bước ra đón phái bộ của triều đình. Các sứ giả của vua Lê Cung Hoàng do đại thần Trung Dương Hầu Vũ Hựu dẫn đầu, còn có Lan Xuyên Bá Phan Đình Tá, Trung Sứ Đỗ Hiếu Đễ. Theo sau là người cầm cờ tiết, người cầm kim sách, người đội thùng đựng áo mũ đỏ thêu rồng màu đen, đai dát ngọc, kim tía, quạt vẽ rồng, lọng tía long trọng tiến vào. Đại thần Vũ Hựu nói to dõng dạc:

- Quan Thái phó, Bình chương quân Quốc trọng sự Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung tiếp chỉ.

Mạc Đăng Dung, các tùy tướng, các gia nhân vội quỳ. Trung Dương Hầu Vũ Hựu đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: nay phong cho Nhân Quốc Công Thái Phó Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, ban cho cờ tiết, lọng tía, quạt vẽ rồng, đai dát ngọc để làm nghi lễ đi lại và khi thiết triều. Niên hiệu Thiên Nguyên năm thứ 5. Khâm thử”.

Mạc Đăng Dung nói to:

- Thần nhận chỉ. Tạ ơn hoàng thượng.

Mạc Đăng Dung nhận chỉ từ tay Vũ Hựu và đứng lên, sai người nhà nhận các đồ nghi lễ vua ban. Dung cùng ba đại thần an tọa. Ba người đều nói:

- Xin chúc mừng An Hưng Vương.

Mạc Đăng Dung cười đáp:

- Đa tạ ba đại nhân.

Rồi gọi:

- Người đâu.

- Dạ.

- Làm tiệc rượu để ta khoản đãi ba đại thần và những người của hoàng thượng.

- Dạ.

Trong khi chờ tiệc rượu và ngồi uống nước, ba đại thần quan sát Dung. Dung được triều đình phong đến cực phẩm tước vương, một tước vị chỉ dành cho hoàng tộc nhưng khuôn mặt Mạc Đăng Dung vẫn thản nhiên, mọi hành động đáp lễ theo khuôn phép ngoại giao rất tôn nghiêm, kính cẩn. Ba người đều biết rằng người ngồi trước mặt họ là người đầy bản lĩnh.

Sau khi tiễn đoàn sứ thần của vua Lê Cung Hoàng về Đông Kinh, Mạc Đăng Dung vào ngồi ngắm các nghi lễ mà vua Lê ban tặng với một tâm trạng nôn nao khó hiểu. Bỗng có gia nhân vào báo:

-Bẩm An Hưng Vương có quan nội thị từ Đông Kinh về muốn gặp.

-Cho vào.

- Dạ.

Quan nội thị bước vào hành lễ:

-Kính chào An Hưng Vương.

-Miễn lễ, triều đình có việc gì vậy?

-Dạ, bẩm An Hưng Vương, hoàng thượng bỗng nhiên mang bệnh nặng, mời An Hưng Vương về kinh gấp.

Mạc Đăng Dung nói:

-Hoàng thượng còn trẻ sao lại lâm bệnh nặng được.

-Dạ, thần không rõ.

Mạc Đăng Dung đi gấp về Đông kinh. Sớm hôm sau Mạc Đăng Dung đang định vào thăm Lê Cung Hoàng thì quan nội thị đã vào báo tin:

-Dạ, bẩm An Hưng Vương, cả hoàng thượng và thái hậu đã băng hà rồi.

Mạc Đăng Dung kinh hoàng:

-Sao lại như vậy được?

Rồi Dung gọi:

- Người đâu.

- Dạ.

- Gọi Mạc Mạc Đăng Doanh và Mạc Quyết vào đây.

- Dạ.

Mạc Đăng Doanh và Mạc Quyết bước vào:

- Dạ, thân phụ gọi con.

-Huynh cho gọi đệ?

- Mạc Đăng Dung nói:

- Nay bỗng nhiên cả hoàng thượng và thái hậu băng hà, sợ có biến lớn. Mạc Quyết và Mạc Đăng Doanh đem 1 vạn quân kể cả cấm binh bao vây nội cung, bảo vệ cho buổi thiết triều hôm nay, không được sơ xuất.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

- Người đâu.

- Dạ, bẩm An Hưng Vương.

- Cho triệu đại tướng Phạm Tử Nghi vào đây.

- Dạ, Tuân lệnh An Hưng Vương.

Phạm Tử Nghi bước vào:

- Mạt tướng có mặt. Xin kính chào An Hưng Vương.

Mạc Đăng Dung ra lệnh:

- Hoàng Thượng và Thái hậu đã băng hà, Đại tướng đem 5 vạn quân bao vây toàn bộ hoàng thành, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

- Mạt tướng tuân lệnh chúa công.

Mạc Đăng Dung nói với quan nội thị.

-Theo ngài cho cử hành tang lễ hoàng thượng, hoàng thái hậu trước hay chọn vua kế vị rồi tổ chức tang lễ sau?

Quan nội thị đáp:

-Dạ, bẩm An Hưng Vương, nước một ngày không thể không có vua, An Hưng Vương hãy cho lập vua mới trước rồi cử hành tang lễ sau. Vả lại đã là quốc tang thì phải có hoàng đế mới đứng ra chủ trì nghi lễ.

Mạc Đăng Dung nói:

-Ta là võ tướng không quen nghi lễ, ta nghe theo quan nội thị.

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho đánh trống gọi thiết triều.

-Dạ.

Hôm đó là ngày 15 của tháng theo thông lệ, các quan văn võ đều phải lên triều. Khi vào hoàng thành các quan ngạc nhiên vì thấy dày đặc lính tráng bao vây. Ngay quanh điện Càn Nguyên cũng mấy vòng lính, gươm giáo sáng lòa, mặt đằng đằng sát khí. Các quan không biết có biến cố gì? Một số đại thần thì vô cùng hoảng sợ, lo lắng cho vua Lê Cung Hoàng và hoàng thái hậu. Đa số các quan thì thản nhiên. Một hồi trống lớn vang lên rung động cả điện Càn Nguyên báo giờ thiết triều. Các quan theo thói quen đều ngóng ra cửa bên tả ngai vàng nơi Lê Cung Hoàng từ đó đi ra và các quan sẽ quỳ xuống tung hô vạn tuế. Trống dứt hồi, từ cửa đó không có vua Lê Cung Hoàng đi ra mà từ dưới đi lên lại là quan nội thị. Quan nội thị đi đến cạnh ngai vàng và thông báo:

-Hơn 10 ngày nay hoàng thượng bệnh nặng và hôm qua đã từ trần, dù các thái y đã ra sức cứu chữa nhưng không được. Hoàng Thái hậu quá đau buồn nên cũng qua đời đêm qua.

Cả triều đình sửng sốt:

-Hả, sao lại như vậy?

-Theo thông lệ, trước khi tổ chức quốc tang theo nghi lễ thiên tử, phải có vua mới chủ trì, hơn nữa, nước một ngày không thể không có vua. Xin bá quan văn võ lựa chọn vua mới.

-Hả, hoàng thượng Lê cung Hoàng chưa có con, lại không có anh em trai, tìm đâu ra người họ Lê bây giờ?

Quan nội thị nói:

-Trước khi mất, hoàng thượng có triệu Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái vào và nhờ viết tờ di chiếu. Ta thay mặt hoàng thượng tuyên đọc.

Bá quan văn võ vội rời ghế và quỳ xuống. Quan nội thị giở chiếu đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nghĩ Thái Tổ ta, thừa trời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận gặp nhiều tai họa, Trần Cảo đầu têu, gây mầm loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có được. Xét Thái úy An Hưng Vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng, bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó. Khâm thử. Niên hiệu Thống Nguyên năm thứ 5”.

Quan nội thị đọc xong gọi to:

- An Hưng Vương Mạc Đăng Dung mau nhận chỉ.

Mạc Đăng Dung quỳ ngay hàng đầu đáp lại:

- Thần không dám, ngai vàng giang sơn là của nhà Lê. Thần nguyện trung thành phò tá nhà Lê, phò tá hoàng thượng mới. Khẩn xin triều đình cho đi tìm con cháu nhà Lê đưa lên ngai vàng để tỏ tấm lòng trung của thần.

Quan nội thị nói:

- An Hưng Vương không được kháng chỉ:

Mạc Đăng Dung hoảng sợ:

- Dạ, thần không dám, thần xin lĩnh chỉ.

Nhận chỉ xong Mạc Đăng Dung đi vào phòng trong rồi bước ra với áo long bào, đội vương miện, ngồi vào ngai vàng, đăng quang hoàng đế. Các quan văn võ bá quan lại quỳ xuống tung hô:

- Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Mạc Đăng Dung nói:

- Miễn lễ, các khanh bình thân.

Lại nói tiếp:

- Nay ta bố cáo lập ra một triều đại mới: Triều Mạc. Ta lấy đế hiệu Mạc Thái Tổ, niên hiệu Minh Đức…

Bỗng một đại thần đứng bật dậy với vẻ tức giận ngắt lời Mạc Đăng Dung:

- Không thể vô pháp mà ngang nhiên như vậy được, triều đình có luật của triều đình, dòng họ có quy tắc của dòng họ. Dù cho đó là ý chỉ của hoàng thượng Lê Cung Hoàng nhường ngôi thì cũng không đúng với luật nước và luật triều đình, luật của dòng họ Lê. Cách đây 5 năm hoàng thượng Lê Chiêu Tông đột ngột qua đời, nay đến lượt hoàng thượng Lê Cung Hoàng và hoàng Thái hậu cũng đột ngột ra đi. Vì sao vậy? Triều đình bàn luận xem có phải vì bị bức hại không? Ta cho rằng chiếu chỉ trên là chiếu chỉ giả. Nguyễn Văn Thái, ngài có dám thừa nhận đó là sự thật không?

Cả triều đình run sợ lo lắng thay cho đại thần đang nói, nhìn kỹ thì ra đó là quan Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Vũ Duệ, còn gọi là Vũ Nghĩa Chi. Văn võ bá quan còn chưa hết cơn hoảng sợ thì một đại thần khác lại đứng dậy đập bàn. Mọi người nhìn ra thì là Công bộ Thượng thư Ngô Hoán. Ngô Hoán nói:

- Triều đình xã tắc rối bời suy yếu không chỉ do Lê Uy Mục, Lê Tương Dực mà còn do bọn loạn thần tặc tử. Triều Lê là ân nhân của cả triều đình, của cả nước, kể cả Mạc Đăng Dung. An Hưng Vương chỉ là một nông dân làm nghề đánh cá, được nhà Lê lấy cho đỗ trạng nguyên võ, được lấy vào quân túc vệ và cất nhắc đến tước vương cực phẩm như ngày nay. Như vậy, phải trung quân báo quốc để đền ơn nhà Lê mới phải đạo. An Hưng Vương hãy trả lại ngai vàng cho nhà Lê đi để tỏ lòng trung quân.

Quan Lễ bộ Thượng thư Lê Tuấn Mậu cũng đứng dậy nói:

- Ta cho rằng cứ cử hành quốc tang cho hoàng thượng và thái hậu trước đi, sau đó tìm người dòng giống nhà Lê Thái Tổ đưa lên ngài vàng cũng chưa muộn.

Mạc Đăng Dùng nói:

- Ta không chỉ tuân chỉ của hoàng thượng Lê Cung Hoàng mà con tuân theo ý chỉ của triều đình. Bá quan văn võ quyết thế nào?

Sau câu nói của Mạc Đăng Dung, hầu hết bá quan văn võ rời khỏi ghế, quỳ xuống và tung hô:

-Chúc mừng hoàng thường, hoàng thượng Mạc Thái Tổ vạn tuế, vạn vạn tuế.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-13-77545