Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa: Nguyễn Kim, một công thần thời Lê Trung Hưng, là người đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê, một lão tướng dày dặn kinh nghiệm. Nguồn: Internet.

Kỳ 16

Sau lễ đăng quang một ngày, sớm hôm sau trong một lán trại màu vàng rộng lớn có buổi thiết triều đầu tiên của vua Lê Trang Tông. Sớm mùa hạ trời quang mây tạnh, ánh bình minh chói đỏ phía đông, rừng núi Sầm Châu như thức dậy đầy tiếng gió ru cây lá xạc xào, chim chóc hót vang những bài ca muôn thuở. Trên cái lán trại lớn lá cờ vàng tung bay phấp phới mang chữ “Nguyên Hòa”, niên hiệu của vua Lê Trang Tông. Lê Trang Tông ngồi ở chiếc ghế cao, trước mặt là chiếc bàn gỗ. Bức tường sau lưng nhà vua có hai con rồng lớn màu vàng được vẽ trên tấm vải đỏ. Phía dưới có chiếc bàn kê dọc dành cho các đại thần. Lê Trang Tông nói:

-Từ khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, các bậc tiên hoàng đế Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, thái hậu Trịnh Thị Loan và các trung thần lần lượt qua đời, giang sơn nhà Lê chìm đắm, gặp biết bao biến cố đau thương, bản thân trẫm cũng gặp không ít gian khổ nơi quê hương. Nay may nhờ các khanh một lòng trung quân ái quốc, phò tá trẫm trung hưng lại cơ nghiệp của đức Lê Thái Tổ. Như đã nói trong lễ đăng quang, trẫm lấy đế hiệu là Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, hoàng đế thứ 11 của vương triều Hậu Lê, mở đầu cho giai đoạn Lê Trung Hưng. Trẫm sẽ cùng các khanh nằm gai nếm mật, tiêu diệt nhà Mạc, khôi phục lại giang sơn nhà Hậu Lê. Các Khanh nghe chỉ dụ.

Các đại thần vội rời khỏi ghế, quỳ xuống chắp tay. Quan nội thị đọc chỉ:

-Nay phong Nguyễn Kim là Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc Công, thuộc hàng khai quốc công thần.

Nguyễn Kim lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong đại thần Lại Thế Vinh là Hòa Quận Công, thuộc hàng khai quốc công thần.

Lại Thế Vinh lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong tướng quân Trịnh Kiểm là Dực Quận Công, thuộc hàng khai quốc công thần.

Trịnh Kiểm lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong Trung Đình Công làm Thiếu úy Hùng Quốc Công.

Trung Đình Công lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong Trịnh Duy Thuận làm Lỵ Quốc Công.

Trịnh Duy Thuận lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong Trịnh Duy Duyệt làm Phúc Hưng Hầu.
Trinh Duy Duyệt lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Nay phong Trịnh Duy Liệu làm tả Đô đốc.

Trịnh Duy Liệu lạy tạ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

Lê Trang Tông nói tiếp:

-Nay ta ban cho mỗi ái khanh một quả ấn, một thanh gươm, tự mình điều động quân bản bộ và phủ dụ bách tính về với Lê Trung Hưng để tiêu diệt nhà Mạc.

-Tạ ơn hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Các ái khanh bình thân, đứng dậy cả đi.

Lê Trang Tông hỏi:

-Các khanh có ai tấu gì không?

Nguyên Kim nói:

-Thần có tấu.

-Khanh nói đi.

-Bẩm hoàng thượng, triều Lê ta được khôi phục, nay hoàng thượng phải xuống chiếu cần vương bố cáo cho thiên hạ biết để các anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa thì chúng ta mới có lực lượng đánh đổ nhà Mạc.

-Chuẩn tấu, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim hãy thay ta thảo chiếu cần vương.

-Thần tuân chỉ.

-Bãi triều.

Sau buổi thiết triều của Lê Trang Tông ở Sầm Châu, khắp Đại Việt, các trấn, phủ, huyện đều truyền tay nhau bài chiếu “Cần Vương” của nhà Lê Trung Hưng. Chiếu viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nhà Hậu Lê ta từ khi đức Lê Thái Tổ gian khổ 10 năm trời, nằm gai nếm mật đánh đuổi giặc Minh, giải phóng bách tính, khôi phục Đại Việt truyền đến nay đã 10 đời vua. Hơn 100 năm đó triều ta coi dân như con, coi quốc gia xã tắc là trên hết, ơn nghĩa sâu dầy trong thiên hạ. Vậy mà Mạc Đăng Dung lại chiếm đoạt ngai vàng, lập ra nhà Mạc. Nay trẫm là Lê Duy Ninh, hoàng tử của tiên hoàng Lê Chiêu Tông, thể theo mệnh trời và nguyện vọng của bách tính đã lên ngôi ở Sầm Châu, Ai Lao, đế hiệu Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, mở đầu cho triều Lê Trung Hưng để thảo phạt nhà Mạc. Nay xuống chiếu này kêu gọi các anh hùng hào kiệt, các nghĩa sĩ khắp thiên hạ hãy về tụ nghĩa dưới cờ của nhà Lê Trung Hưng, chiến đấu vì đại nghĩa, vì bách tính, vì giang sơn xã tắc. Sử sách sẽ ghi nhớ công ơn muôn đời. Khâm thử. Niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ nhất, 1543”.

Từ đó anh hùng hào kiệt trong thiên hạ tìm về Sầm Châu như nước chảy. Trong đó có các võ quan như Hoàng Đình Ái, quê quán Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, con nhà cậu của Trịnh Kiểm, Lê Hữu Trung vốn là tướng của Lê Chiêu Tông, Lại Thế Khanh, vốn là đại thần triều Lê Sơ, người thôn Đông, xã Quảng Lăng, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa; Nguyễn Hữu Liêu, người xã Tây Đàm, Tây Tựu, Từ Liêm, Đông Kinh; Vũ Sư Thước, người làng Du Trường, huyện Thuần Lộc (Hậu Lộc), Thanh Hóa. Trong các năm đó, quân số bộ binh lên 5 vạn, kỵ binh tăng 2 vạn, 500 tượng binh. Thanh thế chấn động. Vua Lê Trang Tông lại phong tước vị cho một loạt các tướng sĩ khác. Có đại thần cả nhà phò tá Lê Trung Hưng như Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim, có con là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng. Khoảng sau năm 1539, Trịnh Kiểm đã có chính thất là Lại Thị Ngọc Trân, con của Lại Thế Vinh. Nhưng do mến tài đức, Nguyễn Kim đã gã đại tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho Kiểm làm thứ thất. Như vậy, Trịnh Kiểm có hai gia đình nhạc phụ phò tá Lê Trang Tông. Tiếp đó là gia đình Lại Thế Vinh cùng hai con trai là Quận công Lại Thế Mỹ, con thứ là Quận Công Lại Thế Đạt, con rể là Trịnh Kiểm phò nhà Lê Trung Hưng. Trong một buổi thiết triều năm 1543, Nguyễn Kim nói:

-Bẩm hoàng thượng, nay Lê Trung Hưng ta lực lượng đã mạnh, xin hoàng thượng cho quân về nước, trước tiên là đánh chiếm đất thang mộc là Thanh Hóa, sau nữa lấy Nghệ An để phát triển lực lượng thì mới có thể tiến quân Bắc phạt.

Lại Thế Vinh nói:

-Thần tán thành ý kiến của Hưng Quốc Công. Thần nghe nói nhà Mạc có biến động, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh vào năm 1529 và về làm thái thượng hoàng. Mạc Đăng Doanh đế hiệu là Mạc Thái Tông nhưng mất năm 1540 khi mới 40 tuổi (1500-1540). Con Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải còn nhỏ lên ngôi, đế hiệu là Mạc Hiến Tông. Năm 1541, Mạc Đăng Dung cũng qua đời. Triều Mạc không còn ai là trụ cột, đó là trời giúp cho Nam Triều ta thu phục giang sơn về một mối.

Lê Trang Tông nói:

-Vậy Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh là hai trụ cột chính của nhà Mạc đã không còn. Trẫm ra lệnh tiến quân về nước. Thụy Quận Công Hà Thọ Trường tiếp chỉ.

-Dạ, có thần.

-Trẫm phong khanh làm Ngự doanh Đề thống hộ giá khi xa giá của ta về nước.

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim tiếp chỉ:

-Dạ, có thần.

-Trẫm phong khanh làm Tiết chế thống lĩnh toàn bộ các tướng lĩnh và binh sĩ Nam Triều tiến về giải phóng Thanh Hóa, Nghệ An.

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
Chiều hôm đó rừng núi Sầm Châu như chuyển động, người ngựa, voi, tướng lĩnh và quân sĩ triều Lê Trung Hưng theo hàng dọc lũ lượt như nước tiến về phía Đông. Đi tiên phong là đại tướng Dực quận công Trịnh Kiểm, đi trung quân là Tiết chế Nguyễn Kim, cùng các đại thần hộ xa giá vua Lê Trang Tông. Các tướng Lại Thế Vinh, Lại Thế Mỹ, Lại Thế Đạt đi hậu quân. Vua Lê Trang Tông và triều đình Lê Trung Hưng về kinh đô Vạn Lại-An Trường ở Lôi Dương, cách Lam Sơn về phía Đông khoảng vài dặm mà Lại Thế Vinh và Trịnh Kiểm đã xây dựng từ năm 1539, còn Nguyễn Kim đem quân đội tiến đánh Tây Đô, từ đó mà tiến lên giải phóng Thanh Hóa. Cuộc chiến giữa Nam Triều và Bắc Triều lại bùng lên. Bầu trời vạch vẽ những đám mây đầy sát khí báo hiệu những cơn dông tố tàn khốc của chiến tranh đang tới.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-16-77603