Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở Kiến Thụy – Hải Phòng. Nguồn: Internet.

Kỳ 20.

Trong khi Nguyễn Kính nói thì Mạc Kính Điển nghĩ trong đầu: đưa Mạc Chính Trung là vua lớn có thuận lợi nhưng bị chi phối bởi một thế lực như họ Phạm thì không thể nào lường trước được điều gì. Vả lại, trong tình hình khó khăn hiện nay của nhà Mạc, Mạc Kính Điển muốn vua nhỏ để nhiếp chính trực tiếp giải quyết để cứu vãn thời thế, đánh bại Nam Triều. Nghĩ vậy Mạc Kính Điển nói:

-Nếu đa số các đại thần đã thuận theo ý ta thì cứ vậy mà làm đi, lập Mạc Phúc Nguyên làm thiên tử, đế hiệu Mạc Tuyên Tông.

Các đại thần đều nói:

-Xin theo ý của Khiêm Vương.

Hôm sau vẫn trong điện Càn Nguyên, Mạc Phúc Nguyên đăng quang hoàng đế, đế hiệu Mạc Tuyên Tông. Bá quan văn võ quỳ xuống hô vang:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Mạc Tuyên Tông đáp lễ:

-Các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Mạc Tuyên Tông khẩu dụ:

-Nay Phong Khiêm Vương Mạc Kính Điển làm nhiếp chính, Tiết chế binh mã thủy bộ.

Mạc Kính Điển đáp:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Ái khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

Vừa khi đó một tùy tướng vào nói nhỏ vào tai Mạc Kính Điển. Tùy tướng đi ra thì Mạc Kính Điển nói:

-Bẩm hoàng thượng, thần có tấu:
Mạc Tuyên Tông nói:

-Ái khanh tấu đi.

-Bẩm hoàng thượng, thần vừa nhận được tin cấp báo, Thái úy Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi cùng Hoằng Vương Mạc Chính Trung và hoàng tử Mạc Văn Minh làm phản đã dùng 5 vạn quân đang tấn công phía Nam Đông Kinh. Thế giặc rất mạnh. Mong hoàng thượng định đoạt.

Mạc Tuyên Tông hoảng hốt kinh ngạc:

-Hả, Phạm Tử Nghi là thái úy, Mạc Chính Trung là hoàng tử của Mạc Thái Tổ, Mạc Văn Minh là hoàng tử của Mạc Thái Tông sao lại làm phản? Xử lý thế nào? Ái khanh là chú của trẫm, là quan phụ chính đầu triều, khanh cứ quyết định đi.

-Thần tuân chỉ.

Mạc Kính Điển gọi:

-Tướng quân Trần Phỉ đâu?

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem quân ngự lâm và các tùy tướng hộ giá hoàng thượng về Dương Kinh. Nhớ bảo vệ và chăm sóc hoàng thượng chu đáo. Sơ suất thì cái đầu của tướng quân coi chừng.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Đại tướng Nguyễn Kính đâu:

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 5 vạn quân ra ngoài thành dàn trận chặn giặc.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Đại thần Lê Bá Ly đâu?

-Có lão thần.

Đại tướng đem quân bản bộ mở cửa thành phía Tây, chờ cho quân của Nguyễn Kính giao chiến thì đánh tập hậu phía sau Phạm Tử Nghi. Bằng mọi giá phải giết chết Phạm Tử Nghi.

-Dạ, còn Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh thì làm sao?

-Giết hết.

-Lão tướng tuân lệnh.

Việc điều binh khiển tướng của Mạc Kính Điển, của Nguyễn Kính, của Lê Bá Ly làm kinh thành náo động, bách tính hoảng loạn.

-Loạn to rồi, loạn to rồi.

-Quân Nam Triều đánh ra à?

-Không rõ, nghe nói quân Mạc đánh quân Mạc.

-Sao lại vậy?

-Mạc Hiến Tông vừa chết nên tranh nhau ngai vàng.

-Ôi chuyện muôn thuở, đã là ngai vàng thì anh em cũng là thù địch.

-Chỉ chết bách tính thảo dân thôi.

Nguyễn Kính mở cổng thành phía Nam tiến ra một dặm thì gặp quân của Phạm Tử Nghi đang tiến tới. Quân đi rầm rập, gươm giáo sáng lòa, cờ vàng đề chữ đen “Phạm Thái úy” tung bay phấp phới. Quân Nguyễn Kính cờ vàng đề chữ “Mạc”. Hai bên dàn trận. Nguyễn Kính thấy Phạm Tử Nghi mặc chiến bào xanh, áo giáp sắt, đội mũ đâu mâu bạc, cưỡi ngựa đen, cầm gươm đứng giữa. Một bên là Mạc Chính Trung, một bên là Mạc Văn Minh mặc chiến bào vàng, áo giáp vàng, tay cầm đại đao.Nguyễn Kính nói:

-Dòng họ Mạc ai lên ngôi mà chả được. Thái úy là quan đầu triều sao lại vì việc này mà động binh làm phản, làm kinh động muôn dân bá tánh. Ngài không sợ muôn dân chê cười sao?

Phạmh Tử Nghi cười đáp:

-Mạc Kính Điển nông cạn không biết thời cuộc đang rất nguy nan cho nhà Mạc, ngài là đại thần cũng a dua với Điển làm nhà Mạc suy yếu, định giúp cho Nam Triều chăng? Hãy xem đại đao của lão phu có sắc hay không?

Nói xong Phạm Tử Nghi thúc ngựa múa đao xông ra. Tây Quận Công Nguyễn Kính cũng thúc ngựa vung gươm xông tới. Gươm chạm đại đao tóe lửa. Hai bên đánh nhau 50 hiệp không phân thắng bại. Chợt phía quân của Phạm Tử Nghi rối loạn, thế trận tan vỡ. Thì ra Lê Bá Ly cùng con là Quảng Quận Công Lê Khắc Thận, các con của Nguyễn Kính là Quang Quận Công Nguyễn Khải Khang, Phú Quận Công Nguyễn Hữu Mệnh, Không Toàn Hầu và Khang Phú Hầu đánh tập hậu vào quân của Phạm Tử Nghi. Hai bên giao chiến kịch liệt, chiêng trống vang động phía Nam kinh thành, tiềng hò reo, tiếng gươm giáo kinh thiên động địa, thây chồng như núi, máu lầy mặt đất. 5 vạn quân của Phạm Tử Nghi bị giết. Phạm Tử Nghi kinh hãi, mở đường máu cùng Mạc Chính Trung, Mạc Văn Minh đem tàn quân chạy về An Bang. Sau đó vì quá sợ hãi, Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh từ An Bang chạy sang Trung Quốc. Mạc Kính Điển đem Mạc Tuyên Tông về lại Đông Kinh. Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh bị nhà Minh bắt. Phạm Tử Nghi đem quân đánh vào Khâm Châu để nhằm buộc nhà Minh trả lại Trung và Minh nhưng bị tướng nhà Minh là Đại Dự mai phục đánh Nghi đại bại. Nghi thua chạy về Vân Đồn, An Bang thì bị nhà Mạc bắt và giết năm 1551. Đại Dự bắt được con của Phạm Tử Nghi là Phạm Tử Lưu. Mạc Văn Minh (cháu của Mạc Thái Tổ) và Mạc Chính Trung (em của Mạc Thái Tông, con thứ hai Mạc Thái Tổ) cũng bị giết chết ở Trung Quốc.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-20-77689