Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 26)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV " NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Ảnh minh họa: Vạn Lại từng là kinh đô kháng chiến của nhà Lê (nay thuốc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê ở thế kỷ 16 suốt 47 năm (1546 - 1593), trải qua 4 đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông), có lúc hành điện của nhà Lê phải chuyển đến phủ Yên Trường (cách Vạn Lại khoảng gần 5 km, nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), nhưng Vạn Lại luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Đáng tiếc kinh đô xưa giờ chỉ còn là vệt đất hoang vu với những dấu tích nahjt phai, dần chìm vào quên lãng. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa: Vạn Lại từng là kinh đô kháng chiến của nhà Lê (nay thuốc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê ở thế kỷ 16 suốt 47 năm (1546 - 1593), trải qua 4 đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông), có lúc hành điện của nhà Lê phải chuyển đến phủ Yên Trường (cách Vạn Lại khoảng gần 5 km, nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), nhưng Vạn Lại luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Đáng tiếc kinh đô xưa giờ chỉ còn là vệt đất hoang vu với những dấu tích nahjt phai, dần chìm vào quên lãng. Nguồn: Internet

Kỳ 26.

Đông Kinh, một sớm mùa hè năm 1569, Mạc Tuyên Tông đang ngồi thiết triều trong điện Càn Nguyên. Mạc Tuyên Tông nói:

-Cách đây mấy ngày ta đã nhận được tin cấp báo, quân Nam Triều do Trịnh Kiểm chỉ huy cùng các tướng Lê Bá Ly, Lê Khắc Thận, Nguyễn Quyện, Hoàng Đình Ái đã tấn công các tỉnh Kinh Bắc, Lạng Sơn và Hải Đông. Đông Kinh, Dương Kinh của ta đang bị chấn động. Các ái khanh có kế sách gì hay chống giặc, bảo về Đông Kinh và Dương Kinh không?

Cả triều đình bá quan văn võ còn im lặng thì Trạng nguyên Giáp Trừng bước ra:

-Thần xin có tấu.

Mạc Tuyên Tông nói:

-Trạng nguyên có kế sách gì hay không?

Giáp Trừng tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, trước đây Trịnh Kiểm cũng đem hết quân chủ lực ra tấn công Đông Kinh, Thanh Hóa bỏ trống, Khiêm Vương Mạc Kính Điển đã đem quân tấn công Thanh Hóa, Trịnh Kiểm phải rút quân về và Đông Kinh được giải nguy. Nay hoàng thượng cho quân tấn công vào Vạn Lại-An Trường thì Trịnh Kiểm cũng tức khắc rút quân về về để cứu Kinh Đô, không khó nhọc gì mà Đông Kinh và Dương Kinh lại được giải vây ạ.

Mạc Nhân Phú nói:

-Thần có tấu.

-Vương tấu gì?

-Thần tán thành kế sách của Trạng nguyên Giáp Trừng. Hoàng thượng nên hạ chỉ cho Nhiếp chính Khiêm Vương đem 5 vạn quân vào đánh Thanh Hóa, tức khắc giải vây được Đông Kinh và Dương Kinh, cứu được các tỉnh Lạng Sơn, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây.

Mạc Tuyên Tông lo lắng:

-Trong khi đưa hết quân vào Thanh Hóa, Trịnh Kiểm cứ tấn công Đông Kinh thì làm sao?

Mạc Ngọc Liễn nói:

-Dạ hoàng thượng yên tâm, Đông Kinh và Dương Kinh mỗi nơi vẫn được 2 vạn quân phòng thủ. Vả lại khi nghe nói Vạn Lại-An Trường nguy biến, Trịnh Kiểm không còn bụng dạ nào ở lại tấn công Đông Kinh vì nơi đó là đầu não của Nam Triều, có vua Lê Anh Tông, có gia đình của Kiểm và hầu hết đại thần. Trịnh Kiểm không cứu không được.

Mạc Tuyên Tông nói:

-Các khanh nghe chỉ:

-Mạc Ngọc Liễn, Mạc Đôn Nhượng mỗi ngươi 2 vạn quân phòng thủ Đông Kinh và Dương Kinh.

-Thần tuân chỉ.

Mạc Phúc Sơn nghe chỉ.

-Thân vương đem khẩu dụ của ta ra An Biên lệnh cho Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đem 5 vạn quân tấn công Vạn Lại-An Trường của Nam Triều.

-Thần tuân chỉ.

Màn đêm bao phủ dày dặc khắp miền An Biên và Hải Dương. Sông Cấm cũng chìm trong màn đêm nhưng nước vẫn cuồn cuộn tuôn ra biển. Nhưng sông Cấm đêm nay không yên tĩnh. Trong đêm, 300 chiến thuyền chở 5 vạn quân Mạc bí mật tiến ra cửa Nam Triệu và hướng về Nam đi như bay. Sóng biển vẫn muôn thuở rì rầm vỗ vào mạn những con thuyền. Trưa hôm sau, quân Mạc tập kết ở cửa biển Thần Phù. Trong đêm hôm sau Mạc Kính Điển ra lệnh tấn công cửa biển Lạch Trường nhằm tiêu diệt quân Nam Triều do Lại Thế Khanh và Vũ Sư Thước chỉ huy.

Bình minh một ngày mới thường đến sớm trên biển. Mặt trời đỏ hồng bầu trời phía Đông và tròn vành vạnh. Sóng vỗ dồn dập vào cửa Lạch Trường và hòa vào nước sông Mã vẫn tuôn ra ào ạt hòa vào biển mênh mông. Trong hành dinh của quân đồn trú trấn giữ Lạch Trường, Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh vừa ăn sáng xong đang ngồi uống trà, chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy đang ào ạt tiến đánh vào cửa Lạch Trường. Xin tướng quân quyết định.

Vũ Sư Thước nói:

-Thái sư Tiết chế đang đem quân Bắc phạt, Mạc Kính Điển dùng kế đánh Ngụy cứu Hàn. Chúng sẽ vào sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày đánh vào Vạn Lại -An Trường, buộc Trịnh Thái sư Tiết chế phải đem quân về cứu, Đông Kinh, Dương Kinh sẽ được giải nguy. Ý tướng quân thế nào?

Lại Thế Khanh nói:

-Quân ta ít, không thể giao chiến ở đây được, nếu ta bị tiêu diệt ở đây thì kinh đô sẽ thất thủ, phải lui về trong thung lũng bảo vệ Vạn Lại-An Trường. Mặt khác báo cho Thái sư Tiết chế kéo quân về, khi đó trong đánh ra ngoài đánh vào chắc phá được quân giặc.

Vũ Sư Thước nói:

-Tướng quân nói phải lắm.

Rồi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Ngươi chọn con ngựa thật khỏe phi gấp ra Sơn Tây nói với Thái sư Tiết chế rằng quân Mạc đang bao vây Vạn Lại-An Trường, mong Thái sư đem quân về cứu gấp.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Một hồi trống trận vang lên. 2 vạn quân Nam triều nhanh chóng lên thuyền theo sông Mã chạy về hướng Tây. Cùng lúc 300 chiến thuyền chở 5 vạn quan Mạc ào ạt như nước vỡ bờ xông vào cửa Lạch Trường nhưng không gặp một sức kháng cự nào. Mạc Kính Điển biết Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh đã rút về bảo vệ Vạn Lại-An Trường. Tiết chế quân Mạc ra lênh:

-Theo sông Mã vào sông Chu, sông Cầu Chày công phá Vạn Lại- An Trường.

Tiếng quân sĩ dạ ran vang khắp biển Lạch Trường:

-Dạ, tuân lệnh Khiêm vương Nhiếp chính.

300 chiến thuyền buồm căng theo gió biển phi như bay về phía Tây sông Mã, tiếng trống khua vang động, sóng nước sông Mã bị thuyền rạch xé, nước tung lên như mưa sa bão táp. Chiều hôm đó thuyền quân Mạc tới sông Chu, vào sông Cầu Chày. Mạc Kính Điển nói với Nguyễn Kính:

-Tập trung toàn bộ binh lực đánh vào Vạn Trường, sau đó tấn công Vạn Lại.

-Tuân lệnh Khiêm Vương Tiết chế.

300 chiến thuyền làm căn cứ cho bộ binh, thủy binh Mạc công phá An Trường. Quân Nam Triều ở An Trường chống cự yếu ớt. Quân Mạc dùng những cây gỗ to húc đổ cổng thành và từ bốn phía tràn vào nhưng Vạn Trường chỉ là thành trì trống rỗng. Không một người lính, không một người dân, không một chút của cải lương thực. Có lẽ quân dân An Trường đã rút về Vạn Lại để tập trung lực lượng chiến đấu. Mạc Kính Điển ra lệnh:

-Không được đốt phá. Nếu lấy được Thanh Hóa thì nhà cửa cung điện đó là của ta. Ai vi phạm quân luật chém.

Nguyễn Kính nói với Mạc Kính Điển.

-Nhân lúc chúng còn hỗn loạn nên tấn công Vạn Lại ngay.

Mạc Kính Điển nói:

-Tướng quân nói phải lắm. Để 1 vạn quân coi thuyền và giữ Vạn Trường, còn tất cả lên bờ tấn công Vạn Lại.

Nguyễn Kính dẫn 4 vạn quân tiến về Vạn Lại. Mặt trời đã hửng sáng. Quân Mạc tiến đến núi Kim Sơn và chợ Ông Công, địa thế nơi đây hiểm trở, cây cối rậm rạp. Nguyễn Kính vẫn cứ cho hành quân vì cho rằng quân Nam Triều ít, run sợ đã chạy hết, không còn bụng dạ để mai phục. Bỗng nhiên những phát tên châm lửa bắn lên trời rồi 4 phía đồi núi chiêng trống vang lừng, tiếp theo là những trận mưa tên dội xuống. Quân Mạc ngả chồng chất lên nhau, máu tuôn như suối. Sau những trận mưa tên là những trận đá dồn dập lăn xuống như núi lở. Tiếp đó là quân Nam Triều do Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh chỉ huy xông ra chém giết. Nguyễn Kính và Mạc Kính Điển phải mở đường máu mới chạy thoát về An Trường. 3 vạn quân Mạc đã tử trận trong trận Kim Sơn và chợ Ông Công. Mạc Kính Điển còn đang kinh hoàng uất hận thì có thám mã về báo:

-Dạ, cấp báo, Trịnh Kiểm đang dẫn quân về, đã tiến tới Tư Phố Làng Giàng.

Mạc Kính Điển kinh hoàng:

-Rút nhanh theo đường sông Mã ra biển, nếu không Trịnh Kiểm đánh lên, Lại Thế Khanh đánh xuống, ta chết không có đất mà chôn.

Rồi đoàn chiến thuyền nhà Mạc chạy như bay theo sông Mã ra biển và đi lên phía Bắc. Trịnh Kiểm về cho củng cố lại Vạn Lại-An Trường, ban thưởng cho Lại Thế Khanh, Vũ Sư Thước và các tướng lĩnh, quân sĩ đã có công bảo vệ kinh đô, đánh thắng quân Mạc.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-26-77836