Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa: Vương Trịnh Thành Tổ Trịnh Tùng: Người khôi phục nhà Lê và xây phủ Chúa.

Vương Trịnh Thành Tổ Trịnh Tùng (1550 – 1623) là một nhân vật lịch sử để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử Đại Việt, định hình nên một giai đoạn phát triển của dân tộc. Bằng tài năng quân sự hiếm có, ông đã gây dựng sự nghiệp để đời, gắn liền với “chiến đấu và chiến thắng”, góp phần khôi phục vương triều Nhà Lê và kéo dài hơn 200 năm sau đó.

Kỳ 27
III

Đêm tháng 2 năm 1570, kinh đô Vạn Lại-An Trường chìm trong bóng đêm. Gió lạnh thổi thốc tháo. Cây cối trên rừng đồi cao thấp đen sì khua xào xạc. Con sông Cầu Chày, sông Chu vẫn cuồn cuộn đưa nước về ngả ba Giàng để hợp lưu với dòng sông Mã. Trong biệt phủ của Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm đèn rực sáng trong ngoài. Trong căn phòng riêng của Trịnh Kiểm đèn sáng nhiều hơn. Đã một năm nay sau chiến thắng năm 1569, Thái sư Tiết chế bị bệnh và nằm liệt giường. Các thái y giỏi nhất của Nam Triều ngày đêm ra sức chữa chạy nhưng bệnh không thuyên giảm. Trịnh Kiểm bị căn bệnh mà đường ruột bị phá hủy và tế bào độc lan khắp cơ thể không thuốc thang nào chữa khỏi. Túc trực ngày đêm bên Trịnh Kiểm là chính phi Lại Thị Ngọc Trân, con trai trưởng là Trịnh Cối, thứ phi là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và con trai là Trịnh Tùng, hiền phi Trương Thị Ngọc Lanh và con trai là Phụng Quốc Công Trịnh Đỗ, Dịch Nghĩa Công Trịnh Đồng, Cần Nghĩa Công Trịnh Ninh, con gái Trưởng thượng Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Xuân, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tôn. Ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ 1570 Thượng tướng Thái Quốc Công Trịnh Kiểm qua đời, hưởng thọ 67 tuổi (1503-1570), đã phò 3 đời vua của Lê Trung Hưng: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Trong đại tang, đông đủ bá quan văn võ, tướng sĩ và ba quân đã thương tiếc đưa Thái Quốc công Tiết chế về nơi an nghỉ cuối cùng. Vua Lê Anh Tông xuống chiếu truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ Minh Khang Thái Vương, đặt thụy hiệu là Trung Huân. Phong cho con trưởng Trịnh Kiểm là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối làm Tiết chế, nắm giữ binh quyền của Nam Triều.

Sau bữa cơm tối, Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng đang ngồi uống trà trong phủ đệ của mình thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, nhà đang có đại tang Thái Quốc Công mà bên phủ đệ của quan Tiết chế Trịnh Cối ngày đêm yến tiệc, say mê tửu sắc, nói là mừng việc được thay cha nắm toàn bộ quyền bính.

Trịnh Tùng nói:

-Kẻ bất tài mà nắm quyền bính thường kiêu ngạo ngông cuồng, đã bất tài lại bất hiếu. Nam Triều sẽ bị huynh ấy phá nát mất thôi. Thân mẫu Lại Thị Ngọc Trân không dạy bảo sao? Ông ngoại Lại Thế Vinh không dạy bảo sao?

-Dạ, mạt tướng không rõ ạ.

Lại một đêm khác, Trịnh Tùng đang ngồi uống trà thì một tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, có Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong Hầu Trịnh Vĩnh Thiệu dẫn đầu nhiều đại thần xin vào gặp.

Trịnh Tùng nói:

-Mời vào.

-Dạ.

Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu dẫn đầu 8 đại thần bước vào. Trịnh Tùng vội đứng dậy hành lễ:

-Kính chào, kính chào, xin mời các đại nhân vào.

-Đa tạ, thất lễ, thất lễ, chúng tôi vào mà không báo trước cho Phúc Lương Hầu.

Sau khi chia ngôi chủ khách an tọa và uống một lượt trà, Trịnh Tùng đưa mắt nhìn. Ngoài Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu còn có Vệ Dương Hầu Trịnh Bách, Lại Quận Công Phan Công Tích và mấy vị nữa mà Trịnh Tùng không biết. Sau một lượt trà Trịnh Tùng hỏi:

-Hôm nay sao các đại nhân rỗi rãi mà hạ cố tới lều tranh của tại hạ vậy?
Lê Cập Đệ nói:
-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, hôm nay chúng tôi tới đây là vì sự an nguy của nhà Lê Trung Hưng.

Trịnh Tùng hỏi:

-Có sự biến gì mà nghiêm trọng vậy? Quân Mạc tấn công à?

Trịnh Vĩnh Thiệu đáp:

-Dạ bẩm Phúc Lương Hầu, Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối là con trưởng của Thái Quốc Công nên được trao quyền Tiết chế nhưng không lo việc quân, việc nước, lại còn ngày đêm ham mê tửu sắc. Trong khi đó bên quân Mạc, Mạc Kính Điển là tay thao lược, dùng binh như thần, xưa chỉ có Thái Quốc Công mới cân tài cân sức với ông ta. Nay nếu Mạc Kính Điển vào đánh thì Trịnh Cối làm sao địch nổi. Nam Triều ta nguy to rồi.

Trịnh Tùng hỏi:

-Vậy các đại nhân có kế sách gì để cứu Nam Triều không?

Phan Công Tích nói:

-Chúng tôi cho rằng đương đầu với Mạc Kính Điển hiện nay không ai khác ngoài Phúc Lương Hầu.

Trịnh Tùng đáp:
-Đa tạ, đa tạ, không dám, không dám. Ta không phải là Tiết chế nắm binh quyền.

Lê Cập Đệ nài nỉ:

-Phúc Lương Hầu hãy vì giang sơn xã tắc nhà Lê Trung Hưng mà hành động, nếu không chúng ta chết không có đất mà chôn, hối cũng không kịp.

Trịnh Tùng hỏi:

-Vậy phải làm thế nào?

Lê Cập Đệ đáp:

-Ngày mai chúng ta vào gặp hoàng thượng xin phong Phúc Lương Hầu làm Tiết chế. Sau đó đem vua về Vạn Lại phòng thủ, đề phòng Trịnh Cối tấn công.

Hôm sau, Trịnh Tùng cùng bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách…bí mật vào hành cung gặp vua Lê Anh Tông. Vua Lê Anh Tông đang ngồi uống trà thì có nội giám vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có Lương Phúc Hầu Trịnh Tùng và nhiều đại thần muốn vào gặp.

-Cho vào.
Bọn Trịnh Tùng bước vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Vua Lê Anh Tông nói:

-Miễn lễ, các khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

-Các ái khanh vào có việc gì chăng?

Trịnh Tùng liếc mắt vào những người hầu cận. Vua Lê Anh Tông biết ý nói:

-Các ngươi lui hết ra ngoài.

-Dạ.

Khi trong cung chỉ còn lại vua và bọn Trịnh Tùng, Lê Cập Đệ nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, chúng thần vào đây là vì việc còn mất của Nam Triều ta.

-Ái khanh cứ nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối là con trưởng của Thái Quốc Công nên được phong Tiết chế nắm binh quyền. Thực ra Trịnh Cối là người tri thức quân sự rất tầm thường, không có tài thao lược, không có tài cầm quân. Trong khi đó bên quân Mạc có lão tướng tài thao lược lừng danh là Mạc Kính Điển, ngày xưa, chỉ có Thái Quốc Công mới chống chọi lại được. Nay mai Mạc Kính Điển tiến đánh, Trịnh Cối thua là chắc chắn. Nam Triều ta sẽ nguy to. Mong hoàng thượng sớm định liệu kẻo sau này quá muộn.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-27-77852