Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 36)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Một cảnh trong vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng”. Nguồn: baothanhhoa.vn

Kỳ 36

-Dạ bẩm hoàng thượng, Trịnh Tùng đã tiến ra Mỹ Lương, Chương Mỹ và huyện Lương Sơn, uy hiếp mặt Tây Đông Kinh ạ.

Mạc Mậu Hợp ra lệnh:

-Sai Mạc Ngọc Liễn và Quốc cửu Nguyễn Quyện đem 6 vạn quân chống giặc, bảo vệ phía Tây Đông Kinh.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

Mạc Ngọc Liễn đem 3 vạn quân đến Ninh Sơn đánh vào phía tả quân Nam Triều, Nguyễn Quyện đem 3 vạn quân tiến vào huyện Chương Đức, Vượt sông Do Lễ, Mỹ Đức đánh vào bên hữu quân Trịnh Tùng. Nguyễn Quyện lợi dụng địa thế hiểm trở hữu ngạn sông Do Lễ bố trí trận địa mai phục. Trịnh Tùng cho Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Đỗ đi về phía tả chống lại quân Mạc Ngọc Liễn, còn tự Trịnh Tùng dàn trận đánh nhau với Nguyễn Quyện. Sắp giao chiến thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm Đô Tướng Tiết chế, phía sau 2 dặm là quân Mạc đang mai phục.

Trịnh Tùng bảo nhỏ Hà Thọ Lộc:

-Khi quân Mạc giả thua dụ quân ta vào trận địa mai phục, tướng quân cứ đuổi theo, khi lọt vào trận địa thì cho quân nằm xuống tránh tên. Ta sẽ từ bên ngoài đánh vào, tướng quân từ bên trong đánh ra sẽ phá được Nguyễn Quyện.

Hai bên dàn trận bên tả ngạn sông Do Lễ, chiêng trống vang lừng, cờ vàng bay phấp phới. Trịnh Tùng và Hà Thọ Lộc đối diện với Nguyễn Quyện và Mạc Đại Đô. Mạc Đại Đô cưỡi ngựa đen, múa giáo xông ra. Bên này Hà Thọ Lộc múa đại đao phi tới. Hai tướng xáp nhau giao chiến, giáo chạm đại đao tóe lửa. Quân hai bên hò reo vang dội, chiêng trống vang lừng. Đánh khoảng 10 hiệp, Mạc Đại Đô giả vờ thua quay ngựa chạy, quân Mạc cũng ào ào chạy theo. Hà Thọ Lộc dẫn vài nghìn quân đuổi theo. Khi trông thấy tên lửa bắn lên trời, Hà Thọ Lộc ra lệnh cho quân nằm xuống tránh những trận mưa tên. Thốt nhiên nghe bên ngoài tiếng trống vang lừng, quân Mạc rối loạn. Hà Thọ Lộc cho quân vùng dậy đánh ra, quân Trịnh Tùng bên ngoài đánh vào. Quân Mạc đại bại, thây đổ như chuối, máu nhuộm đỏ dặc sông Do Lễ. Nguyễn Quyện dẫn 1 vạn tàn quân mở đường máu chạy về Đông Kinh.

Bên phía hữu sông Do Lễ, thám mã về báo cho Mạc Ngọc Liễn:

-Dạ, bẩm tướng quân, lão tướng Nguyễn Quyện bại trận, 2 vạn quân bị giết, 1 vạn quân đã cùng lão tướng chạy về Đông Kinh rồi ạ.

-Hả? Rút nhanh.

Mạc Ngọc Liễn cùng Mạc Phúc Sơn chưa đánh đã chạy. Bọn Nguyễn Hữu Liêu, Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh dẫn quân truy kích. Quân Mạc chỉ có tháo chạy, hàng vạn xác chết rải đầy đường đi do dầy xéo lên nhau. Dù chiến thắng nhưng Trịnh Tùng biết chưa đủ lực vào Đông Kinh nên dừng lại và rút về.

Mùa đông năm 1589, Trịnh Tùng đem 4 vạn quân đánh Yên Mô. Mạc Đôn Nhượng đem 7 vạn quân ra Sơn Nam quyết một trận sống mái với Trịnh Tùng. Trời mùa đông gió rét căm căm, gió lạnh như dao cắt, cây cối vùng Yên Mô, Tam Điệp một màu vàng úa, những cây lau trên những đồi núi nở bông màu trắng xám phất phơ trước gió như cờ quân Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng xưa.

Trên một bãi rộng mênh mông của Yên Mô, 7 vạn quân Mạc dàn trận đối diện với 4 vạn quân Nam Triều, cờ vàng rợp trời, gươm giáo tua tủa như rừng, trống chiêng dậy đất. Quân sĩ hai bên đều quân phục màu nâu, áo giáp sắt. Mạc Đôn Nhượng cưỡi ngựa đen, cao to. Bên cạnh là Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, các vương thân Mạc Phúc Sơn, Mạc Nhân Phú. Đối diện bên kia là Trịnh Tùng, hai bên là Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng. Mạc Đôn Nhượng nói to:

-Ai ra bắt Trịnh Tùng cho ta.

Mạc Ngọc Liễn thúc ngựa đen cầm đại đao xông ra, bên này Trịnh Đồng cầm dao lớn lao tới. Hai bên quần nhau, dao lớn chạm đại đao tóe lửa, tiếng quân lính hai bên reo hò vang trời chuyển đất vùng Yên Mô, Tam Điệp. Đánh được 50 hiệp, Trịnh Đồng thua quay ngựa chạy về. Quân Mạc ào lên chém giết. Quân Nam Triều tan vỡ tháo chạy. Bọn Trịnh Đồng, Ngô Cảnh Hựu, Trịnh Ninh ra sức đánh chặn cho đại quân và Trịnh Tùng rút lui. Bước chân 4 vạn quân Nam Triều tháo chạy cùng bước chân 7 vạn quân truy đuổi làm trời đất như rung chuyển. Quân Mạc đuổi đến dốc Tam Điệp, hai bên đồi núi cây cối um tùm. Thốt nhiên ba phát pháo hiệu vang lên, quân Mạc còn đang ngơ ngác thì hàng vạn mũi tên từ hai bên rừng cây phóng ra như mưa. Hàng vạn quân Mạc gục xuống. Có tiếng la thất thanh:

-Có mai phục, có mai phục.

Quân Nam Triều của Trịnh Ninh, Nguyễn Cảnh Hựu phía trước quay lại đánh, quân Nguyễn Hữu Liêu khóa đuôi chặn đánh phía sau, 7 vạn quân Mạc lọt vào vòng vây khủng khiếp như thiên la địa võng ở Tam Điệp. Từ 4 hướng đá và tên như thác dội xuống quân Mạc. Thây chất như núi, máu tuôn như suối. Tiếng la hét, tiếng ngựa kêu, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Đây là trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử nội chiến Nam-Bắc triều. Mạc Đôn Nhượng nhờ các tướng mở đường máu chạy theo đường mòn mới thoát cùng 2 vạn quân. Quân Nam Triều giết chết 4 vạn, bắt sống 1vạn. Trận thất bại Tam Điệp làm chấn động toàn bộ lãnh thổ và triều đình nhà Mạc. Từ đó cứ nghe nói đến quân Nam Triều là quân Mạc vô cùng khiếp sợ.

* *
*

Mùa đông năm 1591, rừng núi Tùng Thiện, Ba Vì, Sơn Tây chìm trong giá rét. Từng cơn gió thổi xào xạc, lá vàng bay lả tả, lá xanh trên những đồi cao thấp phủ một màu sương trắng xóa. Những tiếng chim-thanh âm của núi rừng mang tác. Trịnh Tùng đang ngồi trong hành dinh ở Ngọc Tảo, đang tính toán phương lược từ Sơn Tây đánh xuống Đông Kinh. Chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, Mạc Mậu Hợp đã đem hết quân bốn vệ, năm phủ được khoảng 10 vạn đã hành quân tới Phấn Thượng, cách hành dinh quân ta 5 dặm.

Trịnh Tùng bảo Nguyễn Hữu Liêu:

-Nổi trống báo động toàn quân ra dàn trận nghênh chiến.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Những hồi trống ngũ liên thúc dục vang lên. 7 vạn quân Nam Triều dàn trận chờ 10 vạn quân Bắc Triều. Trịnh Tùng cưỡi voi, mặc áo chiến bào tía, đội mũ đâu mâu màu tía, áo giáp tía, lưng mang thanh gươm, trên đầu che lọng tía. Người quản tượng mang quân phục màu nâu, đầu quấn khăn nâu, tay mang búa gỗ để điều khiển voi. 7 vạn quân Nam Triều quân phục màu nâu, gươm giáo tua tủa, tinh kỳ vàng trời đất. Bên cạnh dưới voi là các tướng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu, Hà Thọ Lộc, Nguyễn Cảnh Hựu… Canh giờ sau nghe bước chân rầm rập, mặt đất rung chuyển, cờ xí rợp trời, 10 vạn quân của Mạc Mậu Hợp đang tiến đến. Mạc Mậu Hợp mặc chiến bào vàng, áo giáp vàng, đi hài vàng, đội mũ đâu mâu vàng, đeo gươm nhỏ. Đi bên cạnh là các tướng Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên… Trịnh Tùng không chờ cho quân Mạc Mậu Hợp dàn trận, trên mình voi trỏ gươm thét lớn:

-Xông lên giết giặc.

Trống lớn hàng trăm chiếc thúc ngũ liên. Quân Nam Triều hò reo xông lên chém giết. Sau trận đại bại ở Tam Điệp, quân Mạc cứ trông thấy quân Nam Triều là hoảng loạn, dù quân số đông hơn nhưng đã sụp đổ về tinh thần, náo loạn nên tan vỡ tháo chạy trước sức tấn công dũng mãnh của quân Nam Triều. Trong phút chốc, 3 vạn quân Mạc bị giết, thây chồng chất bên đồng, máu phun đỏ đất suốt từ Tùng Thiện đến bờ sông Đáy. Hai đại tướng nhà Mạc là Quận Khuông và Quận Tân tử trận tại Tùng Thiện. Trước mặt quân Mạc là sông Đáy, sau lưng là 7 vạn quân Nam Triều truy sát như bão táp. Tính mạng Mạc Mậu Hợp vô cùng nguy cấp. Trước tình thế đó, Nguyễn Quyện, Bùi Văn Khuê, Mạc Ngọc Liễn, Trần Bách Niên thét quân bản bộ họp lại được khoảng 4 vạn dàn trận ngăn quân Trịnh Tùng cho Mạc Mậu Hợp xuống thuyền qua sông, nếu không vua Mạc sẽ bị giết hoặc bị bắt. Quân Trịnh Tùng tràn tới. 4 vạn quân bản bộ của các tướng Mạc giao chiến kịch liệt với 7 vạn quân Nam Triều. Quân Mạc Mậu Hợp tranh nhau qua sông chết đuối hàng nghìn. Khi Mạc Mậu Hợp đã qua được sông, các tướng Mạc cũng vừa đánh vừa rút xuống thuyền về Đông Kinh tổ chức phòng thủ. Trong trận Tùng Thiện và sông Đáy, 5 vạn quân Mạc và các tiểu tướng đã tử trận.

Nhược điểm lớn nhất của quân Nam Triều là không có thủy binh, cho nên hiệu quả tác chiến bị hạn chế nếu gặp sông nước, như trận Tùng Thiện- sông Đáy đã để cho Mạc Mậu Hợp và các tướng lĩnh qua sông chạy thoát về Đông Kinh tổ chức phòng thủ. Tuy vậy lần này Trịnh Tùng quyết tấn công Đông Kinh. Trịnh Tùng nói với các tướng:

-Quân giặc đang trên đà thất bại, chúng ta nên chớp thời cơ tiến đánh Đông Kinh. Các tướng nghe lệnh:

-Tướng quân Nguyễn Hữu Liêu.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem quân vượt qua cầu Gia Kiều, đánh vào Tây Nam Đông Kinh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trịnh Ninh.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem quân đánh vào Đống Đa, cửa Tây thành Đông Kinh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-36-78030