Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa: Họp bàn chọn người để lập làm vua cuối triều Lê Sơ. Nguồn: truyentranhxua/Internet

KỲ 4

Ra đến Đông Kinh, quan quân bao vây bốn mặt thành. Quân “Tam Đóa” từ trên mặt thành bắn tên đạn ra như mưa. An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ từ Thanh Hóa kéo quân ra trợ chiến cho quan quân. Trịnh Duy Sản ra lệnh cho các tướng:

-Chúng ta giả vờ tấn công bốn mặt thành nhưng tập trung hết lực lượng tấn công cửa Tây, phá vỡ cửa Tây vào thành thì phá được giặc.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

Trần Cảo không biết kế đó cứ dàn đều quân bốn mặt thành. Trong khi đó lợi dụng đêm tối, Trịnh Duy Sản cho các dũng sĩ khênh những khúc gỗ lớn dài vài trượng, đầu vót nhọn, dưới sự yểm trợ của bộ binh và các cung thủ, các dũng sĩ tiếp xúc với cổng thành và tông mạnh chỉ vài lần cửa thành mở toang. Quan quân tràn vào chém giết. Tiếng gươm giáo chém nhau tóe lửa, cung tên bắn loạn xạ, tiếng reo hò rung chuyển thành quách. Quân Trần Cảo dàn mỏng không kịp chi viện cho cửa Tây, tan vỡ mở của Bắc tháo chạy ra ngoài thành, vượt cầu phao sang Bồ Đề. Quan quân truy sát, tiếng trống trận vang trời, tiếng quân chạy thoái lui và quân truy sát rung lên ở các cửa Tây và cửa Bắc. Thây người ngổn ngang dọc bến sông Hồng và bốn mặt thành. Quân Trần Cao chết khoảng 1 vạn, quân triều đình khoảng vài nghìn người đã ngã xuống. Cái đáng kể là quân triều đình đã thắng lợi, đã lấy lại được Đông Kinh. Vua Lê Chiêu Tông từ Tây Đô trở về kinh đô. Quân Trần Cảo vẫn hoạt động mạnh, đánh phá vùng Kinh Bắc, Hải Dương. Vua Lê Chiêu Tông treo giải thưởng, thưởng lớn cho ai bắt được Trần Cảo và con là Trần Cung. Tháng 8 năm 1516, quân Lê bắt được tướng của Trần Cảo là Phan Ất ở An Bang. Phan Ất bị đóng vào cũi, giải về kinh và bị xử lăng trì. Nhân đà thắng lợi, Trịnh Duy Sản tâu với vua Lê Chiêu Tông:

-Tâu hoàng thượng, quân “Tam Đóa” vừa mới bại trận, đại tướng giặc Phan Ất vừa bị bắt, thế giặc sa sút. Hiện nay tổng hành dinh của Trần Cảo ở Chí Linh, thần xin thống lĩnh quân thủy bộ vào hang bắt cọp cho hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông nói:

-Chuẩn tấu. Chúc Ái khanh ca khúc khải hoàn.

-Đa tạ hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông trao cho Trịnh Duy Sản quyền tiết chế thủy bộ, cai quản vùng đất Hải Dương. Cùng lúc đó sai tướng Trịnh Tuy mang một đạo quân lấy lại vùng Kinh Bắc khỏi sự chiếm đóng của quân Trần Cảo.

Tháng 11 năm 1516, Trịnh Duy Sản dẫn các tướng Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân đem ba vạn quân tiến đánh Trần Cảo ở Chí Linh. Bầu trời mùa đông u ám, người ngựa bước đi rầm rập dưới bóng cờ vàng tung bay theo gió mùa đông bắc. Bỗng có thám mã Đông Kinh về cấp báo:

-Dạ bẩm Tiết chế, tướng Đa Sĩ cậy có công nhưng không được phong thưởng, đang cho quân bản bộ cướp bóc kinh thành làm cho Đông Kinh náo loạn.
Trịnh Duy Sản tức giận:

-Quan chức ngày nay tha hóa đến mức không coi danh dự luật pháp ra gì, phản loạn ngay giữa kinh thành. Trần Chân đâu?

-Dạ, có nghĩa tử.

-Con đem 5000 quân về dẹp loạn ở kinh thành. Nếu Đa Sĩ không đầu hàng thì cứ giết chết đi.

-Dạ, tuân lệnh nghĩa phụ.

Trần Chân đem 5000 quân trở lại Đông Kinh. Đa Sĩ hoảng sợ đem quân bản bộ chạy trốn lên Sơn Tây.

Quân triều đình đi đánh Trần Cảo tiến đến địa phận xã Nam Giản, Chí Linh, Hải Dương đã thấy 1vạn quân “Tam Đóa” dàn trận. Tướng Công Uẩn cầm ngang ngọn giáo đứng trước hàng quân chờ đợi. Trịnh Duy Sản cho quân dàn trận. Tướng quân Trần Hạnh vác đại đao xông ra. Tướng Công Uẩn bên quân “Tam Đóa” cũng múa ngọn giáo xốc tới. Hai bên giao đấu khoảng 20 hiệp, Công Uẩn lia một giáo qua cổ, đầu Trần Hạnh văng xuống đất. Bất chấp tùy tướng bị giết, cậy quân đông, Trịnh Duy Sản vẫn thúc quân xông lên chém giết. Hai bên hỗn chiến, gươm chạm giáo tóe lửa, tiếng trống vang trời, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Công Uẩn thấy quân triều đình đang hình thành thế bao vây liền ra lệnh cho quân tháo chạy. Trịnh Duy Sản thúc quân đuổi theo. Sản quên mất bổn phạn chủ tướng, xông xáo lên đầu truy kích. Đến một nơi đường hẹp, cây cối um tùm thì nghe có tiếng pháo lệnh nổ ran. Quân Trần Cảo mai phục từ hai bên sườn đồi bắn xuống như mưa. Quân Lê trúng vào trận địa mai phục thi nhau gục xuống chết. Tiếp đó quân Trần Cảo lao xuống chém giết. Nguyễn Hoằng Dụ đi phía sau ra lệnh cho quân tháo chạy. Trịnh Duy Sản và Nguyễn Thương bị quân Trần Cảo bắt sống, bị đem về Vạn Kiếp và bị chém chết.

Sau trận Chí Linh, Trần Cảo cùng các tướng thừa thắng tiến quân về Bồ Đề, chuẩn bị vượt sông Hồng tấn công Đông Kinh lần 2. Khi đó trời đã gần tối, hoàng hôn đỏ tím rồi lại chuyển sang màu đen. Trần Cảo ra lệnh cho quân đóng trại nấu cơm ăn, nghỉ ngơi. Đình Ngạn nói với Trần Cảo:

-Bẩm chúa công, đêm nay nên cho quân ra ngoài doanh trại mai phục, đề phòng quân Lê tới cướp trại.

Trần Cảo cười ha hả:

-Tướng quân lo quá xa, trụ cột của nhà Lê có mỗi một Trịnh Duy Sản thì đã bị ta giết rồi, còn ai nữa đâu mà lo. Cứ cho quân trong trại nghỉ ngơi, mai có sức công thành.

Lại nói ở kinh thành, Vua Lê Chiêu Tông nghe nói Trịnh Duy Sản bại trận đã bị giặc bắt và giết liền nói:

Trịnh Duy Sản là trụ cột của quân đội và triều đình, nay chết rồi ta biết dựa vào ai đây. Quân phiến loạn đã đến Bồ Đề, mai sẽ tấn công kinh thành, biết làm sao đây?

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-4-77355