Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V ' NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Dấu tích xưa của Lũy Thầy – Phòng tuyến Nhật Lệ (Quảng Bình).

Lũy Thầy (còn có tên khác là lũy Đào Duy Từ) là một công trình lũy quân sự được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng bắt đầu từ năm 1630 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài. Khu vực xây Lũy Thầy ngày nay thuộc Đồng Hới, Quảng Bình. Nguồn: Internet

Kỳ 3.

Ngay ngày hôm sau, chúa Nguyễn Phúc Nguyên thiết triều tại Nghị Sự Đường, đông đủ bá quan văn võ. Có những đại thần rường cột của Đàng Trong như thế tử Nguyễn Phúc Lan, tướng võ Nguyễn Hữu Dật, Trương Phúc Phấn, Tống Hữu Dật, Nguyễn Cửu Kiều, Tôn Thất Tráng, Trần Đức Hòa. Nguyễn Phúc Nguyên cũng mời Đào Duy từ ở lại tham dự triều chính. Khi Nguyễn Phúc Nguyên ngồi vào ghế chúa, cả triều đình đứng dậy chắp tay hô lớn:

- Xin kính chào chúa công, chúa công thiên tuế, thiên tuế.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

- Miễn lễ, các đại nhân bình thân.

- Tạ ơn chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

- Qua tin của thám mã từ Thăng Long, cuộc chiến giữa Lê-Trịnh và nhà Mạc đã đến hồi kết thúc. Nhà Trịnh sau khi tiêu diệt nhà Mạc sẽ rảnh tay dồn lực lượng tấn công Đàng Trong của chúng ta. Ta đã dời thủ phủ từ Trà Bát, Tiệu Phong Quảng Trị vào đây để xa chiến trường, xa tầm tấn công của nhà Trịnh. Nhưng thế lực nhà Trịnh hiện nay rất mạnh. Có ai bảo đảm rằng quân Trịnh không vượt qua sông Linh Giang và sông Nhật Lệ vào đây. Chúng ta làm gì và lấy gì để ngăn chặn quân Trịnh ngay từ Nam sông Linh Giang, tức là Bắc sông Nhật Lệ. Các vị có cao kiến gì không?

Cả triêu đình im lặng. Một vài khắc trôi qua. Nguyễn Phúc Nguyên nói tiếp:

- Ta và các đại nhân những ai đau đáu trong lòng, lo nghĩ cho cơ nghiệp của Đàng Trong, trong đầu luôn có câu hỏi đó mà không giải đáp được. Vừa may, đại nhân Trần Đức Hòa đã tiến cử cho ta một danh tài đất Bắc: Tiên sinh Đào Duy Từ. Chiều hôm qua ta cùng đại nhân Trần Đức Hòa đã đàm đạo với tiên sinh mới thấy tiên sinh là người uyên bác mọi lĩnh vực, là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà thiết kế xây dựng các công trình phòng thủ. Tiên sinh đã giải mã được tất cả những vấn đề khó khăn mà Đàng Trong chúng ta đang gặp phải, nếu thực hiện được thì sẽ chiến thắng quân Trịnh, bảo vệ được Đàng Trong, xây dựng một nhà nước, một quân đội hùng mạnh, một xã hội có nền kinh tế, văn hóa phát triển. Các vị sau này hãy làm quen và tiếp xúc với Tiên sinh Đào Duy Từ xem lời ta nói có đúng không. Nay ta quyết định:

- Tiên sinh Đào Duy Từ nghe sắc chỉ.

- Dạ, chúa công, có hàn sĩ.

- Nay gia phong Đào Duy Từ làm Nha Úy nội toán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ngoài. Trước mắt cho Lộc Khuê Hầu Đào Duy Từ được quyền điều động quân đội, nhân tài vật lực cùng tướng quân Nguyễn Hữu Dật giúp sức xây dựng chiến lũy ở Nam sông Linh Giang và Bắc sông Nhật Lệ để ngăn chặn quân Trịnh khi chúng tấn công nhằm vượt Nhật Lệ vào Thuận Hóa. Lộc Khuê Hầu được quyền ra lệnh cho các công binh xưởng của nhà nước chế tạo súng thần công để đặt trên chiến lũy, đặt trên chiến thuyền, quyền ra lệnh cho các công binh xưởng đóng chiến thuyền nhiều loại: Loại đặt 3 đại bác, loại đặt 10 đại bác, quyền ra lệnh cho các công binh xưởng chế tạo súng hỏa mai, tạc đạn để trang bị cho các chiến sĩ ngoài vũ khí ngày xưa như cung tên giáo mác. Cho phép Lộc Khuê Hầu toàn quyền tiến hành cải tổ bộ máy hành chính quan lại sao cho tiện lợi và hiệu quả, cải tổ quân đội sao cho hùng mạnh. Tất cả các tướng lĩnh từ nay phải đọc và học cuốn binh pháp “Hổ Trướng Khu Cơ” của tiên sinh Đào Duy Từ để nâng cao trình độ quân sự, chỉ huy đánh giặc.

Đào Duy Từ cúi mình chắp tay:

- Đa tạ chúa công đã tin dùng, hàn sĩ sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:
- Ta tin tưởng vào tài năng của Lộc Khuê Hầu. Các đại nhân ai có gì tấu nữa không?

Im lặng.

- Không có. Bãi triều.

Hai năm sau, cũng tại căn phòng trong tư dinh phủ chúa, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sau bữa ăn sáng đang ngồi uống trà thì có tùy tướng vào báo:

- Dạ, bẩm chúa công, có Lộc Khuê Hầu Đào Duy Từ từ Bố Chánh về xin vào gặp.

Nguyễn Phúc Nguyên cả mừng:

- Cho Lộc Khuê Hầu vào ngay.

- Dạ.

Nguyễn Phúc Nguyên vội mặc áo mũ thiết triều, mở toang cửa lớn ra đón. Đi theo Đào Duy Từ còn có một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi khôi ngô tuấn tú, dáng con nhà võ. Hai người khoanh tay cúi chào:

-Xin kính chào chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên đáp:

-Miễn lễ, hai người vào nhà đi.

Sau khi vào nhà chia ngôi chủ khách, cạn một lượt trà, Đào Duy Từ nói:

-Dạ, bẩm sau khi nhận lệnh chúa công, đã hai năm rồi thần cùng tướng Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật cùng hai vạn nhân công, công binh đã lao động cật lực, hôm nay công việc đã hoàn thành. Phía Nam sông Linh Giang, Bắc sông Nhật Lệ đã mọc lên hai chiến lũy, một là lũy Trường Dục chắn phía Tây Nam sông Linh Giang, hai là lũy Trấn Ninh chắn phía Đông sông Linh Giang và bờ Bắc sông Nhật Lệ. Nếu quân Trịnh muốn đến Nhật Lệ phải đi vào con đường nhỏ giữa hai chiến lũy thì chúng sẽ bị đại bác và các loại vũ khí khác tiêu diệt. Chúng cũng không thể tấn công phá được chiến lũy vì rất kiên cố, bộ binh Trịnh lại không có đại bác. Chiến lũy nện bằng đất sét dầy 1 trượng, cao 2 trượng, dài 20 dặm, phía ngoài thành thẳng đứng, phía trong có bậc lên thoai thoải dốc cho quân ta lên xuống dễ dàng tác chiến. Bên trong chiến lũy có doanh trại, kho vũ khí, kho lương thực, nhà thương nơi chữa chạy vết thương cho quân sĩ. Thủy quân địch cũng không thể vào được cửa sông Nhật Lê vì đã bị lũy Trấn Ninh chốt ngay ở bờ Bắc sông bắn phá, nếu tiến vào sâu nữa bị đại bác lũy Trường Dục tiêu diệt, giáp bờ biển phía Nam sông Nhạt Lệ là phá và đầm lầy, bộ binh và thủy binh càng không thể vào được. Muốn chắc chắn thêm bờ Nam giáp phá đầm lầy của sông Nhật Lệ, ta đặt thêm vài chục chiến thuyền thì con chim bay qua không lọt. Đây là toàn cảnh sơ đồ chiến lũy, trình chúa công xem xét bổ sung thêm.

Đào Duy Từ hai tay nâng tập giấy trình chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyễn Phúc Nguyên đỡ lấy và cảm động:

-Đã hai năm không gặp tiên sinh. Tiên sinh gầy đi nhiều. Vất vả cho Lộc Khuê Hầu quá. Để đây, tối ta sẽ đọc. Thế còn đây là…?

Đào Duy Từ vội nói:

-Thất lễ, thất lễ, quên không tự giới thiệu trước với chúa công. Chả là thần có chính thất ở quê nhà, có con gái lớn đã xuất giá. Đây là con rể thần tên là Nguyễn Hữu Tiến.

Đào Duy Từ quay lại nói với Nguyễn Hữu Tiến:

-Con hành lễ với chúa công đi. Đây là chúa công Nguyễn Phúc Nguyên mà nhạc phụ thường nói con nghe.

Nguyễn Hữu Tiến vội bước ra quỳ và chắp tay:

-Thảo dân Nguyễn Hữu Tiến xin kính chào chúa công. Chúa công thiên tuế, thiên thiên tuế.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Miễn Lễ, đứng dậy đi, chẳng hay tiểu sinh đây đang theo nghề gì?

Nguyễn Hữu Tiến đáp:

-Dạ, bẩm chúa công, thảo dân theo nghề võ ạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-3-78334