Việt Nam đối mặt với thách thức môi trường

​Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu thế giới, số lượng sinh vật được khám phá hàng năm vẫn không dừng lại. Thế nhưng cũng chính tại Việt Nam, số lượng rác thải nhựa được đưa ra môi trường đứng thứ 5 thế giới.

Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về lượng xả rác thải nhựa ra biển nhưng cũng là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng hàng đầu từ mối đe dọa này.

Nhiều khu vực tại đất nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Điều mà theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu không hành động ngay thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Đa dạng sinh học bị đe dọa, đại dương ngập rác

Cuối tháng 6.2018 vừa qua, Đại hội đồng Quỹ Môi trường Thế giới (GEF 6) đã được tổ chức tại TP. Đà Nẵng với nhiều cuộc họp, hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia của các nước thành viên. Tất cả cùng ngồi lại để tìm cách “cứu hành tinh” trước đe dạo về ô nhiễm môi trường. Riêng với Việt Nam, được giới chuyên gia đánh giá cao về độ đa dạng sinh học, thế nhưng, quá trình phát triển cũng đang đẩy Việt Nam vào những mối đe dọa môi trường ngay trước mắt.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, Việt Nam là điểm nóng của đa dạng sinh học toàn cầu, là nước đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học loài cùng rất nhiều vùng sinh thái quan trọng. Việt Nam đã phát hiện ra khoảng 50.000 loài sinh vật được ghi nhận, mỗi năm chúng ta vẫn đang phát hiện ra hàng trăm loại. Cộng đồng quốc tế ghi nhận, Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 8 khu ramsar có tầm quan trọng, 6 vườn di sản ASIAN. Tuy nhiên, những vốn quý trên chưa thực sự được phát huy, thậm chí là bị đe dọa.

“Người dân và doanh nghiệp đang tiếp cận thiên nhiên ở khía cạnh khai thác chứ chưa phải là gắn kết. Hệ quả là hàng loạt loài động vật tại Việt Nam liên tục bị cảnh báo có nguy cơ bị biến mất, nhiều khu bảo tồn bị xâm hại để nhường chỗ cho những khu nghỉ dưỡng, resort. Nhận thức của người dân chưa thực sự muốn dựa vào thiên nhiên để cùng phát triển” – các chuyên gia tại hội nghị đa dạng sinh học Việt Nam đánh giá.

Ông Tuấn Phạm - đại diện một doanh nghiệp đa quốc gia trong lĩnh vực du lịch cho biết, du lịch dựa vào thiên nhiên đang là hướng đi của nhiều quốc gia, tuy nhiên tại Việt Nam để triển khai các hoạt động này lại gặp khá nhiều khó khăn.

“Điển hình như Sapa từng là một nơi có thiên nhiên đẹp, văn hóa đặc sắc của những đồng bào dân tộc thiểu số và khí hậu tại đây thu hút nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, nơi này cũng chỉ có thể chứa 1 triệu người, trong khi đó du lịch phổ thông phát triển rầm rộ khiến con số này cao gấp nhiều lần. Du lịch dựa vào thiên nhiên hay hiểu đơn giản là du lịch sinh thái không còn chỗ chen chân tại đây khiến cảnh quan, văn hóa bị phá vỡ. Du lịch quá tải đang là vấn đề của toàn thế giới và tác dụng ngược của nó đang biểu hiện rất rõ tại Việt Nam” – ông Tuấn cho hay.

Không chỉ có các khu bảo tồn bị đe dọa, tại kỳ họp lần này, Quỹ Môi trường đặc biệt nhấn mạnh vào thách thức lớn có ảnh hưởng đến toàn cầu – rác thải nhựa đại dương. Đáng chú ý, Việt Nam đứng số 4/20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/mỗi năm. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Bà Maimunah Mohn Shrif – Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc chỉ ra thực tế rác thải nhựa có thể tồn tại trong môi trường hàng thiên niên kỷ, làm ô nhiễm biển và có thể bị những loài động vật biển nhầm lẫn là thức ăn. Ngoài việc phá hủy đời sống tài nguyên biển, thì hành động thải rác thải nhựa ra đại dương đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người đang phụ thuộc vào biển.

Trong khi đó, cũng tại chính Việt Nam, TS Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác, trong đó 16% là rác thải nhựa. Như vậy mỗi ngày người dân Việt Nam thải ra môi trường 18.000 tấn rác thải nhựa, gây ra những vùng chết trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 về lượng xả thải rác thải nhựa. Việt Nam được biết đến là có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương là những con số đáng báo động. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Ông Peter Thomson - Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương cảnh báo: “Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000km đang phải đối diện với các thách thức như hệ sinh thái bờ biển suy giảm, nước biển tăng, rác thải. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng có sự liên quan chặt chẽ đến nhau và những gì diễn ra trên đất liền cũng tác động đến biển. Do vậy, chính phủ Việt Nam cần ban hành các chính sách nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… để nâng cao nhận thức người dân có trách nhiệm với đại dương, tiến tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch, làm sạch bờ biển”.

Ô nhiễm môi trường đang đe dọa đến toàn cầu trong đó có Việt Nam. Hình ảnh người dân Đà Nẵng cùng du khách nhặt rác làm sạch bờ biển.

Chuyển hướng nền kinh tế tự phát qua tuần hoàn

Cũng từ chính những thực tế này, phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF bà Naoko Ishii nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này tổ chức vào một thời điểm quyết định cho tương lai của hành tinh. “Tôi cũng chia sẻ rằng cơ hội duy nhất của chúng ta để tránh thảm họa là chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt hiện nay dịch chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn” - bà Naoko Ishii nói.

Riêng Việt Nam, bà Naoko Ishii đánh giá cao khi Chính phủ đã gửi đến thông điệp rõ ràng, không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Toàn cầu đang ở thời điểm quan trọng, GEF6 vừa kết thúc với mục tiêu đề ra rất rõ, đa dạng hóa những mục tiêu, đối tác không chỉ là giữa các lãnh đạo quốc gia mà còn là các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia,… Ở đó, chính phủ Việt Nam cam kết sẽ là quốc gia dẫn đầu đối phó lại với rác thải nhựa.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết, vấn đề chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ liên quan đến rất nhiều bộ ngành sự tham gia của doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài nguyên Môi trường đang thúc đẩy, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về việc cần thiết thay đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thay đổi những thói quen, phương thức sản xuất. “Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng trấu để làm than, sử dụng hơi nóng của máy điều hòa để tạo nhiệt. Kinh tế tuần hoàn là phế thải của ngành này sẽ là nguyên liệu của ngành kia. Bộ sẽ nghiên cứu những mô hình nước ngoài và khuyến khích những mô hình trong nước” – Thứ trưởng cho hay.

Riêng về lĩnh vực du lịch, một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam, ông Axel van Trotsenburg - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) góp ý, mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển du lịch có sự gắn kết. Phát triển vấn đề này không chỉ đem lại lợi ích quốc gia mà còn đóng góp vào phát triển đa dạng sinh học toàn cầu. Khi thiết kế và thực hiện các dự án phát triển kinh tế cũng như các quy hoạch không gian cần phải luôn cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học. Các quốc gia phải đưa những mục tiêu đó vào các dự án để triển khai, cần nhiều sự chủ động hơn cho công tác bảo vệ môi trường.

Với những cam kết và nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam sẽ còn nhiều việc để làm, mà theo ông Erik Solheim, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng: “Ở đây chúng ta có những bài học kinh nghiệm từ những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng những sản phẩm ống nhựa, sản phẩm dùng một lần, xây dựng hệ thống tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần thực hiện được ba trụ cột chính phủ - công dân – đổi mới sáng tạo trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch cùng cùng nhau cứu hành tinh của chúng ta”.

“Để giải quyết những thách thức của toàn cầu hiện nay, chúng ta phải thay đổi hệ thống, cách thức ăn uống, đi lại, tiêu dùng, sản xuất. Cụ thể, hiện nay những hệ thống sản xuất năng lượng, nhu yếu phẩm, phát triển thành phố đang tạo nên sức ép rất lớn với môi trường. 30% đất đai, 70% tài nguyên nước trên toàn cầu đang phục vụ cho con người. Mức độ đô thị hóa càng nhanh càng tạo nên áp lực cho khí hậu. Khi chúng ta tiếp tục sử dụng các nhà máy phát điện chạy than thì chúng ta sẽ phá hủy hệ thống khí hậu. Nếu chúng ta cứ vận hành theo nền kinh tế bộc phát như bây giờ thì đa dạng sinh học, môi trường sẽ bị xâm hại, chúng ta cần phải thay đổi. Đó là điều chúng tôi đã bàn luận và sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo” - bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF nói.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/viet-nam-doi-mat-voi-thach-thuc-moi-truong-625396.ldo