Việt Nam đóng góp sáng tạo, góp phần hoàn thiện UNCLOS 1982

Giới chuyên gia về Luật Biển khẳng định, việc phân định biển luôn phải được thực hiện theo phương pháp công bằng có tính đến các hoàn cảnh liên quan để bảo đảm lợi ích công bằng cho các bên. Nắm bắt được xu hướng chung của sự phát triển luật biển, từ năm 1977 đến nay, Việt Nam nhất quán, kiên định quan điểm thông qua thương lượng để đi đến các thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), áp dụng nguyên tắc công bằng, để đạt được giải pháp phân định công bằng.

Đảo Đá Thị, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đảo Đá Thị, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

“Kim chỉ nam” cho các thỏa thuận

Từ năm 1977, Việt Nam tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ III, khi các nước đang tranh luận về phương pháp phân định, Việt Nam ở trong nhóm quốc gia ủng hộ áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định. Với địa lý quốc gia ven biển có nhiều quần đảo, việc áp dụng nguyên tắc phân định theo đường trung tuyến hay đường cách đều đều có lợi thế nhưng Việt Nam đã ủng hộ nguyên tắc công bằng, đòi hỏi tôn trọng các quyền đương nhiên của mỗi quốc gia đối với các vùng biển và thềm lục địa được hưởng, phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.

Ngày 12/5/1977, Việt Nam đã ra tuyên bố về nguyên tắc xác định phạm vi các vùng biển của Việt Nam trên tinh thần phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 và là một trong những tuyên bố sớm nhất theo tinh thần của bản “Hiến pháp của đại dương” này ở khu vực Đông Nam Á. Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã chính thức và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của Việt Nam là cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027 chỉ ra rằng, quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển là thông qua giải pháp thương lượng trực tiếp và thiện chí, trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan nhằm đi đến thỏa thuận về một giải pháp công bằng, hợp lý mà các bên đều chấp nhận được.

Theo ông Nguyễn Hồng Thao, Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003, thỏa thuận với Malaysia, Campuchia và Trung Quốc. Việt Nam cũng đưa đến sự thống nhất về vai trò của các đảo trong phân định. Trên thực tế, phân định biển theo nguyên tắc công bằng còn được Việt Nam áp dụng một cách linh hoạt.

Quan điểm và lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên biển, trong đó có vấn đề phân định biển được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam và thể hiện một cách nhất quán thông qua các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước liên quan là thông qua thương lượng để đi đến các thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế của UNCLOS 1982, áp dụng nguyên tắc công bằng, để đạt được giải pháp phân định công bằng. “Quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn, hợp tình hợp lý, phù hợp với xu thế và tập quán chung trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế” - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao khẳng định.

Đề cập đến vấn đề thông qua các điều ước về phân định biển ký kết với các nước hữu quan và các thỏa thuận, “khai thác chung” vùng chồng lấn trên biển, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhìn nhận, Việt Nam đã thể hiện trên thực tế chủ trương đúng đắn là giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình; thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự pháp lý công bằng trên biển, tăng cường sự phát triển và hợp tác trên biển.

Công bằng mới là kết quả mà các bên hướng tới

Theo giới chuyên gia quốc tế về luật biển, một nguyên tắc được coi là công bằng nếu nó đem lại một giải pháp công bằng, trên cơ sở thương lượng bình đẳng và thiện chí, nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các bên liên quan chấp nhận.

Các tàu của Lữ đoàn 162 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Ảnh: TTXVN

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho hay, luật biển quốc tế hiện tại đã thành công khi thiết lập được một trật tự pháp lý cho các vùng biển, đại dương và góp phần hình thành nên các nguyên tắc công bằng trong phân định biển giữa các quốc gia. Trong đó, thỏa thuận là giải pháp tối cao cho nguyên tắc phân định, nhưng công bằng mới là kết quả mà các bên hướng tới. Do vậy, việc phân định luôn phải được thực hiện theo phương pháp công bằng có tính đến các hoàn cảnh liên quan để bảo đảm lợi ích công bằng cho các bên.

Quá trình phát triển của luật biển quốc tế cho thấy, phân định biển là vấn đề hết sức phức tạp nên nguyên tắc thỏa thuận luôn được đề cao. Khi các bên không đạt được sự thỏa thuận thì tranh chấp vẫn phải được giải quyết trên nguyên tắc công bằng. Ngay phần mở đầu trong UNCLOS 1982 đã nhấn mạnh rằng, việc pháp điển hóa và sự phát triển theo chiều hướng ngày càng tiến bộ của luật biển được quy định trong Công ước sẽ góp phần tăng cường hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các dân tộc phù hợp với các nguyên tắc công bằng.

Trong phân định biển, sự công bằng không đơn giản là việc chia đôi các vùng biển, cũng như không phải đặt lên bàn cân tất cả các hoàn cảnh liên quan để áp dụng nguyên tắc công bằng một cách máy móc. Thay vào đó là sự phân chia trên cơ sở xem xét, cân nhắc, điều chỉnh các quy tắc và nguyên tắc công bằng trong phân định phù hợp với thực tế và hoàn cảnh hữu quan, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan.

Thực tế áp dụng nguyên tắc công bằng không có một giới hạn pháp lý nào định ra các hoàn cảnh liên quan, mà tùy thuộc vào quyết định của tòa hoặc sự chấp nhận của các bên khi gặp các yếu tố địa chất, địa lý, mức độ tương xứng của bờ biển, sự hiện diện của các đảo hay sự tồn tại của một danh nghĩa lịch sử… để cân nhắc điều chỉnh đường phân định đạt một giải pháp công bằng giữa các bên. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định biển có thể mang lại những kinh nghiệm hữu ích trong việc giải quyết những tồn tại giữa Việt Nam với các nước hữu quan, bảo đảm lợi ích công bằng giữa các bên.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-dong-gop-sang-tao-gop-phan-hoan-thien-unclos-1982-post458474.html