Việt Nam đồng hành cùng Liên hợp quốc xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

Hôm nay, 20-9, là tròn 41 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (LHQ)-tổ chức lớn nhất hành tinh (20/9/1977-20/9/2018). Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia, làm tốt trách nhiệm của một thành viên và phát huy vai trò của tổ chức đa phương này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: VGP

Ngược dòng lịch sử, ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức điện đến Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đề nghị về việc Việt Nam gia nhập LHQ, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với tổ chức toàn cầu này ngay từ ngày đầu mới giành được độc lập. Do những yếu tố lịch sử, hơn 30 năm sau, ngày 20-9-1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên thứ 149 của LHQ.

Kể từ khi chính thức gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm. Việt Nam luôn chủ động và có nhiều đóng góp thiết thực vào các hoạt động của LHQ với sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực.

Sau nhiều thập niên tiến hành đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành được những thành tựu có ý nghĩa to lớn lịch sử. Nhờ đó mà uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại LHQ. Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008 - 2009), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021).

Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga. Ảnh: VGP

Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000, năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003...

“LHQ và cộng đồng quốc tế đã từng nhiều lần đánh giá cao sự đóng góp nhiều mặt của Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia sử dụng hiệu quả nhất các nguồn giúp đỡ viện trợ, trở thành điển hình của nhiều chương trình của LHQ như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các dự án dân số và trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng ngôi nhà chung của LHQ…”, nguyên Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại LHQ Ngô Quang Xuân chia sẻ.

Tuy nhiên, môi trường quốc tế biến động phức tạp cũng đặt ra những thách thức về đối ngoại không nhỏ. Những thách thức chung của nhân loại ngày càng gay gắt, đòi hỏi các nước, trong đó có Việt Nam tích cực tham gia giải quyết.

Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người và xây dựng hòa bình hậu xung đột, cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an...

Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Ngày 25-5-2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2019.

Hoạt động của đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Phái bộ Mali. Ảnh: vnpkc.gov.vn

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực, chủ động trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Việt Nam đã cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ tháng 6-2014. Từ năm 2013, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở châu Phi. Đầu tháng 10 tới, Bệnh viện dã chiến cấp 2 với quy mô khoảng 70 người (trong đó 10 cán bộ nữ) đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan trong năm 2018, đồng thời xúc tiến công tác chuẩn bị để triển khai Đội Công binh, dự kiến hoạt động vào năm 2019. Bắt đầu từ cuối năm 2018, Việt Nam được LHQ lựa chọn làm địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

Những thành tựu trên sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam không ngừng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với LHQ nói riêng, với các cơ chế đa phương khu vực và thế giới nói chung nhằm cùng chung sức với các quốc gia thành viên trong sự nghiệp xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Ngọc Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-nam-dong-hanh-cung-lien-hop-quoc-xay-dung-the-gioi-hoa-binh-on-dinh-va-phat-trien-ben-vung/