Việt Nam đóng vai trò thế nào trong sự phát triển ngành hàng không tại Đông Nam Á?

Nhìn nhận Việt Nam là thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, tại buổi công bố thông tin 'Dự báo thị trường hàng không thương mại 2019' vừa qua, đại diện Boeing cho rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo sự của phát triển ngành hàng không tại Đông Nam Á.

Ông Darren Hulst - Phó Chủ tịch Marketing Thương mại công ty Hàng không vũ trụ Boeing cho biết, trong 20 năm tới, các hãng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới. Thị trường hàng không Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng này. Đến năm 2038, đội máy bay của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp bốn lần.

Theo ông Darren Hulst, tại Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường lớn và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, do đó thị phần tại Việt Nam sẽ rất đáng kể. Theo cách ước tính tương đối của Boeing: hiện nay có khoảng 200 máy bay đang được khai thác tại Việt Nam, trong 5 năm tới, đội máy bay của này dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Như vậy trong 20 tới, ước tính đội máy bay của Việt Nam sẽ tăng 4 lần, tương đương với khoảng 1.000 chiếc.

Ông Darren Hulst - Phó Chủ tịch Marketing Thương mại công ty Hàng không vũ trụ Boeing rất ấn tượng với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam

Ông Darren Hulst - Phó Chủ tịch Marketing Thương mại công ty Hàng không vũ trụ Boeing rất ấn tượng với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam

Lý giải cho nhận định trên, đại diện Boeing cho rằng, với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt hơn 6%, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và ngành du lịch lữ hành phát triển mạnh là các yếu tố thúc đẩy thị trường nội địa Việt Nam mở rộng đến bốn lần: từ 800.000 ghế mỗi tháng vào năm 2009 tăng lên 3,3 triệu ghế mỗi tháng vào năm 2019. Loại máy bay một lối đi được dự báo vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đội máy bay dùng để khai thác các tuyến nội địa và trong khu vực của Việt Nam, với số chuyến bay nội địa tăng 3,5 lần trong 10 năm qua, từ 5.340 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2009 lên 18.680 chuyến bay mỗi tháng vào năm 2019.

Chia sẻ về cơ hội mở rộng thêm các đường bay dài cũng thúc đẩy nhu cầu về dòng máy bay thân rộng, đại diện Boeing cho biết trong năm qua, 50 điểm đến quốc tế mới đã được khai thác từ Việt Nam, và các máy bay thân rộng được chế tạo với công nghệ mới sẽ giúp các hãng hàng không Việt Nam trong tương lai đáp ứng hai trong số những thị trường còn trống lớn nhất từ Việt Nam đến Bắc Mỹ, như đường bay từ TP.HCM đến Los Angeles, và từ TP.HCM đến San Francisco.

Ông Darren Hulst chia sẻ Boeing cũng đã hỗ trợ các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong việc đạt được chứng chỉ CAT1 (điều kiện tiên quyết để mở đường bay thẳng đến Bắc Mỹ). Bên cạnh đó, máy bay 787 đã có thể bay thẳng từ Việt Nam đến Bắc Mỹ, và trong tương lai, máy bay 777X thậm chí có thể giúp khai thác đường bay thẳng từ Việt Nam đến các điểm đến sâu hơn bên trong khu vực Bắc Mỹ.

Theo ông Darren Hulst, Boeing 777X - mẫu máy bay có thể giúp khai thác đường bay thẳng từ Việt Nam đến các điểm đến sâu hơn bên trong khu vực Bắc Mỹ

Hiện nay, United Airlines đang khai thác máy bay 787 trên đường bay thẳng nối San Francisco và Singapore với hai chuyến mỗi ngày. Qantas đang khai thác đường bay thẳng nối Perth và London. Và mới đây, Air New Zealand công bố sẽ mở đường bay thẳng bằng máy bay 787 từ Auckland đến New York. Đây là các đường bay thẳng dài hơn đường bay thẳng nối Việt Nam và San Francisco.

Theo đại diện Boeing, sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được đánh giá là “rất ấn tượng”. Bên cạnh việc khai thác các đường bay nội địa bằng máy bay một lối đi, thì hiện tại, các dòng máy bay thân rộng cũng đã được đưa vào khai thác ở các đường bay dài. Chính vì thế, số liệu từ “Dự báo thị trường hàng không thương mại 2019” do Boeing công bố được sử dụng vào việc lên kế hoạch sản xuất, và cũng được chia sẻ với các đối tác bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ cũng như các đối tác thương mại, các hãng hàng không và các công ty trong ngành hàng không.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các nhu cầu này, không chỉ có máy bay và sản xuất, mà còn là vấn đề về hạ tầng hàng không. Một trong những công việc cụ thể Boeing thực hiện, là hợp tác với các cơ quan quản lý trong ngành hàng không để tìm giải pháp tối ưu hóa hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng hàng không hiện hữu, như tối ưu hóa khai thác sân đỗ, đường băng, nhà ga… song song với việc đầu tư mới.

Dự báo được đưa ra để giúp các nhà quản lý vạch ra kế hoạch đầu tư mới hợp lý và đồng thời tìm ra giải pháp tối ưu hóa khai thác cơ sở hạ tầng hiện có. “Boeing mong muốn được hợp tác, làm việc với tất cả các bên, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước lẫn đối tác thương mại để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này”, ông Darren Hulst nhấn mạnh.

PL

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dich-vu/viet-nam-dong-vai-tro-the-nao-trong-su-phat-trien-nganh-hang-khong-tai-dong-nam-a-post66500.html