Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về phòng dịch và phát triển kinh tế

Báo cáo Chính phủ về dự thảo Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về một số kết quả bổ sung, trong đó có nhấn mạnh tới việc Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Theo đó, đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu.

Về cơ bản kinh tế 2020 đã thành công, không chỉ giữ ổn định mà còn phát triển. (Ảnh: PV)

Về cơ bản kinh tế 2020 đã thành công, không chỉ giữ ổn định mà còn phát triển. (Ảnh: PV)

Cụ thể, có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23%; Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85%. Quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD, đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35%, thặng dư thương mại đạt khoảng 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp. Năng suất lao động tăng 5,39%; mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 44,43%.

Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệthống. Ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 159,77 nghìn tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 12 năm 2020 là 1,69%.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế đi vào thực chất, tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Về nông nghiệp, tăng trưởng toàn ngành đạt 2,68%, cao hơn so với năm 2019. Về công nghiệp, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 3,36%. Về dịch vụ, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng đạt 2,34%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được chú trọng và triển khai tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19 và các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh... Duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu nhóm 29 nước có mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng trưởng, hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, cả năm có khoảng 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới trên 2,2 triệu tỷ đồng.

Kinh tế tập thể có bước phát triển mới, số lượng hợp tác xã được thành lập mới tăng nhanh, đến hết năm 2020 đã có trên 26 nghìn hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường; đã có 17,3 nghìn hợp tác xã nông nghiệp.

Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông được quan tâm, góp phần động viên, cổ vũ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số được chú trọng, triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đưa vào vận hành một số nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách thực chất hơn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt nhiều kết quả, biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm lần lượt là 2,3% và 3,1%.

Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển. Công tác bảo đảm an ninh quốc gia được thực hiện quyết liệt, đạt các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác bảo vệ an ninh trên các lĩnh vực, địa bàn được tăng cường, hiệu quả. Bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng. Công tác phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động đối ngoại; đảm nhiệm thành công các trọng trách tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, có thể đánh giá Kế hoạch năm 2020 đã được thực hiện thành công, không chỉ giữ được ổn định mà còn phát triển, không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vươn lên, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-duoc-danh-gia-la-diem-sang-ve-phong-dich-va-phat-trien-kinh-te-575762.html