Việt Nam gặp thách thức nào khi ghép tế bào gốc điều trị HIV/AIDS

PGS, TS Trần Huy Thịnh, Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội cho biết, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực, trình độ và kỹ thuật để triển khai ghép tế bào gốc điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc ghép này có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50% và chúng ta còn gặp nhiều thách thức khi thực hiện phương pháp này.

PGS, TS Trần Huy Thịnh, Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội.

PGS, TS Trần Huy Thịnh, Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội.

NDĐT – PGS, TS Trần Huy Thịnh, Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội cho biết, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực, trình độ và kỹ thuật để triển khai ghép tế bào gốc điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc ghép này có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50% và chúng ta còn gặp nhiều thách thức khi thực hiện phương pháp này.

Bệnh nhân thứ ba trên thế giới vừa được công bố chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc mở ra nhiều cơ hội cho người mang virus HIV. Thông tin vui này là một thành tựu thế kỷ đối với giới khoa học, mang lại sự sống cho những người mang căn bệnh thế kỷ và vẫn đang bị xã hội kỳ thị.

Phương pháp điều trị này có tính khả thi hay không và liệu khi nào Việt Nam có thể áp dụng biện pháp này là câu hỏi mà nhiều người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ băn khoăn. Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Huy Thịnh, Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội để cung cấp một góc nhìn từ phía các nhà khoa học.

PV: Thưa PGS, TS Trần Huy Thịnh, thế giới vừa ghi nhận thêm hai ca chữa khỏi HIV/AIDS nhờ ghép tế bào gốc. Ông đánh giá thế nào về thành tựu này?

PGS, TS Trần Huy Thịnh: Đây là một thành tựu lớn trong lĩnh vực y tế trên thế giới. Tôi được biết, nghiên cứu về phương pháp này đã được triển khai cách đây 10 năm với bệnh nhân đầu tiên là người Đức. Sau khi ghép tế bào gốc, bệnh nhân không còn phát hiện virus HIV trong cơ thể, nhưng sau đó chưa thấy có công bố nào thêm trong 10 năm qua.

Điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng ghép tế bào gốc là một kết quả, một thành tựu của y học, đã mở ra hướng điều trị mới và tương lai có thể ứng dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý tương tự.

Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp điều trị này cần rất nhiều yếu tố. Một là tế bào gốc sử dụng cho ghép phải mang đột biến gen CCR5 gây kháng với việc nhiễm HIV. Thứ hai, khi có nguồn thì giữa người cho và người nhận phải có sự hòa hợp nhất định để đảm bảo cho việc ghép thành công. Thứ ba, hiện nay với ba bệnh nhân trên thế giới vừa thành công là do họ có chung điều kiện: vừa nhiễm HIV/AIDS vừa bị bệnh ung thư máu.

Nghĩa là, cả ba bệnh nhân này đều được chỉ định điều trị ung thư máu bằng ghép tế bào gốc và họ tận dụng lấy nguồn tế bào gốc mang gen CCR5, miễn nhiễm với HIV. Nếu ghép tế bào gốc không có đột biến gen CCR5 cho những bệnh nhân này thì sau khi ghép, người bệnh vẫn có nguy cơ nhiễm HIV.

PV: Vậy việc ghép tế bào gốc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS có tỷ lệ thành công thế nào? Và liệu biện pháp này có nên ghép cho người chỉ nhiễm HIV/AIDS mà không mang căn bệnh ung thư máu có chỉ định ghép tế bào gốc?

PGS, TS Trần Huy Thịnh: Bên cạnh những yêu cầu về mức độ hòa hợp, nguồn cho thì tỷ lệ ghép thành công trong ghép tế bào gốc hiện nay chỉ khoảng từ 40-60%. Nghĩa là khoảng một nửa các ca ghép không thành công do tế bào gốc khi vào cơ thể không hoặc chậm phát triển ở tủy, gây suy giảm hệ miễn dịch cơ thể, dẫn tới nhiễm trùng và tử vong.

Trong khi thực tế, người bệnh chỉ nhiễm HIV/AIDS nếu điều trị thuốc kháng virus ARV sẽ có khả năng kiểm soát được bệnh, họ vẫn sống khỏe mạnh hàng chục năm với mức độ an toàn cao hơn.

Ghép tế bào gốc là phương pháp được sử dụng khi gần như không còn lựa chọn nào khác trong điều trị. Xác suất thành công và tử vong của ghép tế bào gốc là 50-50. Vì thế, các bác sỹ sẽ cân nhắc rất cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ rủi ro khi ghép tế bào gốc cho một người chỉ nhiễm HIV/AIDS.

PV: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt các bệnh lý về máu. Việc ứng dụng biện pháp này ở Việt Nam trong điều trị bệnh HIV/AIDS liệu có khả thi?

PGS, TS Trần Huy Thịnh: Ghép tế bào gốc được Việt Nam chúng ta triển khai thường quy và đã có hàng ngàn ca được ghép đến thời điểm này để điều trị cho nhiều loại bệnh lý khác nhau: bệnh lý ác tính về máu, suy tủy, suy giảm miễn dịch, ung thư hệ bạch huyết, hỗ trợ trong điều trị một số loại ung thư như. Ngoài ra, ghép tế bào gốc cũng được sử dụng để điều trị bệnh lý mạn tính như thần kinh, xương khớp, phổi, tim mạch…

Hiện nay, có hai phương pháp là ghép tế bào gốc tự thân hoặc ghép đồng loài. Trong đó, với các bệnh lý về chấn thương cột sống ở tủy, bệnh về xương khớp… việc ghép tế bào gốc tự thân chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Trong bệnh lý ác tính thì ghép tự thân ít, chủ yếu ghép đồng loài từ máu cuống rốn hoặc nguồn từ tủy xương người cho (anh em trong gia đình, người có xét nghiệm hòa hợp đạt yêu cầu).

Về việc ghép tế bào điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đã có đầy đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, năng lực, phương tiện, kỹ thuật và và những hỗ trợ khác để làm. Nhưng để triển khai tại Việt Nam, chúng ta cần mấy yếu tố: Có bệnh nhân mắc cả ung thư máu và nhiễm HIV; có chỉ định sử dụng ghép tế bào gốc trong điều trị; tìm nguồn cho là tế bào gốc mang đột biến gen CCR5 kháng với HIV.

PV: Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào khi ứng dụng phương pháp này?

PGS, TS Trần Huy Thịnh: Về mặt kỹ thuật, khoa học chúng ta làm được nhưng với đặc thù của Việt Nam về nguồn tế bào gốc cho chưa đủ phong phú; mặt sàng lọc phân tử để sử dụng sau này chưa đầy đủ; chi phí cho việc ghép phải cân nhắc…

Chúng ta chưa có nguồn lưu trữ tế bào gốc lớn, và cũng chỉ mới thực hiện các xét nghiệm sàng lọc về sự hòa hợp và các nguy cơ liên quan đến bệnh truyền nhiễm của tế bào gốc. Nguồn lưu trữ tế bào gốc hiện này mới chỉ thực hiện sàng lọc cơ sở phân tử để điều trị một số bệnh cụ thể, chưa thực hiện xét nghiệm để tìm kiếm đột biến gen CCR5 có thể kháng lại nhiễm virus HIV.

Chúng ta cần có thêm những văn bản hướng dẫn, những quy định cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và kiểm tra, giám sát để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai phương pháp ghép tế bào gốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

PV: Vậy theo PGS, Việt Nam nên cân nhắc như thế nào trước phương pháp điều trị mới, mang lại cơ hội chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV/AIDS này?

PGS, TS Trần Huy Thịnh: Chúng ta phải cân nhắc thật cẩn thận với nhiều yếu tố giữa nguy cơ và lợi ích khi triển khai điều trị cho bệnh nhân. Việc điều trị bằng thuốc ARV cho thấy hiệu quả kiểm soát bệnh và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Chưa kể, chi phí một ca ghép tế bào gốc đến hàng tỷ đồng và đôi khi vượt quả khả năng chi trả của những người nhiễm HIV/AIDS.

Vì thế, việc triển khai phương pháp này hiện vẫn để ngỏ. Việt Nam cần phải có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trong điều trị bệnh phải thực hiện ghép tế bào gốc. Việc lưu trữ tế bào gốc cũng cần phải được đẩy mạnh và sàng lọc thông tin đầy đủ hơn để sẵn sàng sử dụng nguồn tế bào gốc phù hợp để ghép cho bệnh nhân.

Khi nào mức độ ghép tế bào gốc an toàn cao hơn, thì có thể nhiều bệnh nhân có thể sẽ cân nhắc điều trị khỏi HIV/AIDS.

Xin cảm ơn PGS, TS Trần Huy Thịnh!

THIÊN LAM (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/39506202-viet-nam-gap-thach-thuc-nao-khi-ghep-te-bao-goc-dieu-tri-hiv-aids.html