Việt Nam - Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định thương mại tự do

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các Bộ, ngành cơ quan liên quan hai nước.

Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hoàn Quốc đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích.

Hiệp định được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hiệp định được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hiệp định gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 1 Thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính bao gồm: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.

Hiệp định VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, FTA sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đố thúc đẩy quả trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hàng xuất khẩu của Việt nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2 % giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…

Việt Nam sẽ là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang…(thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-242% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2 % số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên liệu phụ liệu dệt may, nguyên liệu như, linh kiện điện tử, xe tải….Phần lớn trong số này là các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.

Ngoài ra, theo nghiên cứu, Hiệp định VKFTA dự báo cũng sẽ đem lại những lợi ích xẽ hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick tại Lễ ký kết

Bên cạnh những tác động tích cực, Hiệp định cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Thứ nhất, việc cắt giảm thuế sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước. Điều này bắt buộc khiến các doanh nghiệp phải tự thay đổi để phát triển.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước sẽ không ngừng phải kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực hiệ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế.

Thứ ba, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần phải nhận thức đầy đủ hơn về tiến trình hội nhập nói chung và việc thực hiện Hiệp định VKFTA nói riêng, qua đó mới có thể khai thác hiệu quả các lợi ích cũng như hạn chế những tác động bất lợi của Hiệp định.

Sau khi ký kết, hai nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định pháp luật của từng nước. Theo cam kết, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ 2 tính từ ngày hai bên thông báo bằng văn bản qua kênh ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ hoặc từ một ngày nào khác mà hai bên thống nhất

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/viet-nam-han-quoc-chinh-thuc-ky-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-21606.html