Việt Nam - hạt nhân trung tâm của ASEAN

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua 28 năm, với phương châm 'tích cực, chủ động và có trách nhiệm', Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của ASEAN, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng khối gắn kết trên ba trụ cột; là thành viên quan trọng của sự đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Bài 2: Những đóng góp toàn diện, thực chất, hiệu quả của Việt Nam

Việt Nam tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác ASEAN trên tất cả lĩnh vực. Việt Nam luôn tự hào là một thành viên trách nhiệm, có tinh thần sẵn sàng gánh vác các trọng trách và tích cực với những đóng góp không nhỏ để có một ASEAN như ngày hôm nay.

Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh tế,Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tiến trình liên kết kinh tế ASEAN ngay từ đầu trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ; tích cực tham gia xây dựng các quy định, thỏa thuận quan trọng của ASEAN cũng như việc thực hiện những cam kết theo lộ trình đã định sẵn. Việt Nam là 1 trong 2 nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC) năm 2015. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong triển khai việc thí điểm các biện pháp về thuận lợi thương mại, như cơ chế một cửa ASEAN, tự chứng nhận xuất xứ, cơ sở dữ liệu thương mại...

Với vai trò then chốt trong việc thực hiện và nâng cấp các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ASEAN+1, Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết Nghị định thư về nâng cấp các FTA. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 10 năm khởi xướng ý tưởng và 8 năm đàm phán, đánh dấu bước ngoặt quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên tham gia trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Thứ hai, trong lĩnh vực chính trị - an ninh, không chỉ hoàn thành các cam kết đã thỏa thuận, mà Việt Nam còn chủ động tiếp nhận và chủ trì việc thực hiện nhiều dòng hành động trong kế hoạch tổng thể chính trị - an ninh. Ứng xử của Việt Nam trong ASEAN đối với các vấn đề quốc tế, khu vực ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định, thể hiện tinh thần xây dựng, cân bằng, hài hòa và sáng tạo, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và đồng thuận của ASEAN, luôn được các nước đánh giá cao. Đề xuất và sáng kiến của Việt Nam trong các diễn đàn của ASEAN, như ARF, ADMM+, được các nước ASEAN và đối tác ủng hộ, góp phần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và nâng cao khả năng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống mới nổi, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Việt Nam luôn đề cao vai trò của việc tuân thủ Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) như bộ quy tắc ứng xử điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, ở khu vực, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế…

Về biển Đông, Việt Nam luôn tích cực đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông - DOC và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông - COC…

Thứ ba, trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong thúc đẩy hợp tác văn hóa - xã hội của ASEAN; tham gia sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác và đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Năm 2010, Việt Nam đã đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch ASEAN đúng vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn sau khi Hiến chương ASEAN được ký kết và luôn tích cực trong quá trình triển khai; là nước thứ 2 cử đại diện thường trực trong Ủy ban các Đại diện thường trực về ASEAN (CPR) và được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp hướng tới hình thành cộng đồng vào cuối năm 2015.

Ngay sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015, Việt Nam đã sớm xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đến năm 2025, tích cực lồng ghép nội dung của kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội vào Chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công trọng trách của quốc gia thành viên trong việc chủ trì các hội nghị, tham gia thảo luận, đề xuất sáng kiến góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực của trụ cột văn hóa - xã hội, như lao động, hợp tác thanh niên, phụ nữ và trẻ em, giáo dục, thông tin truyền thông, công vụ...

Thứ tư, trong lĩnh vực đối ngoại. Cùng với nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Việt Nam đã phát huy vai trò cầu nối nhằm tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và hiện tại là Hàn Quốc, được cả ASEAN và các nước đối thoại đánh giá cao. Với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với những đối tác quan trọng. Việt Nam cùng các nước ASEAN thúc đẩy các đối tác tham gia tích cực và hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+... Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực nhằm giữ vững vai trò trung tâm, cũng như góp phần thúc đẩy, đề cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN.

Nối tiếp kết quả đạt được, trên chặng đường sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển.

MINH HUY - PHẠM HIẾU (Lược ghi)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/asean/viet-nam-hat-nhan-trung-tam-cua-asean-68954.html