Việt Nam - Hồ Chí Minh

Đã hơn nửa thế kỷ Bác Hồ muôn vàn kính yêu yên nghỉ nơi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc vẫn sáng mãi trong lòng người dân Việt Nam; vẫn in đậm trong trái tim bạn bè quốc tế. Thật tự hào 'Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta' (1).

Vị cha già trong lòng đồng bào các dân tộc

Là người Việt Nam, ai cũng tự hào coi mình như con cháu Bác Hồ, dù có thể chưa một lần được gặp. Sau những ngày bàng hoàng khi nghe tin Bác mất, nhân dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) bất chấp bom đạn và những trận càn dã man của giặc Mỹ, đã ngày đêm góp sức, góp công xây dựng Đền thờ Bác. Hai lần kẻ thù đến đốt phá, nhân dân lại xây mới bằng xi-măng cốt sắt chắc chắn hơn. Trước ý chí quyết tâm bảo vệ bằng được Đền thờ Bác Hồ của người dân Châu Thới, kẻ thù đành bó tay.

 Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, ngày 24/1/1955 (tức mùng 1 Tết năm Ất Mùi). Ảnh tư liệu.

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, ngày 24/1/1955 (tức mùng 1 Tết năm Ất Mùi). Ảnh tư liệu.

Đền thờ Bác Hồ đứng vững ngay trong vùng địch hậu là một minh chứng sống cho tình cảm thiêng liêng bất khả xâm phạm của đồng bào miền Tây Nam Bộ đối với Người. Sau nhiều lần mở rộng, giờ đây Đền thờ Bác Hồ nơi “vùng đất chín rồng” có khuôn viên hơn 11.000 m2, gồm nhà trưng bày, hội trường và phòng làm việc, khu dịch vụ và khu vườn được trồng nhiều loại cây xanh... Với hơn 300 tài liệu và hiện vật phản ánh quá trình nhân dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi chiến đấu bảo vệ Đền và các tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, là điểm đến của nhân dân trong vùng và cả nước để tưởng nhớ công lao trời biển của Người.

Với 54 dân tộc anh em trên đất nước hình chữ S, hầu như đến gia đình nào, dù ở địa đầu Tổ quốc, hay giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ cũng như nơi tận cùng đất nước - mũi Cà Mau, đều thấy ảnh Bác được treo ở vị trí trang trọng nhất. Hình ảnh vị cha già của dân tộc luôn hiện hữu trong tâm khảm mỗi người, thể hiện niềm tin yêu mãnh liệt dành cho Đảng, cho cách mạng để vững bước vượt qua muôn trùng sóng gió, vươn tới cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Nhớ lại thời kỳ cả dân tộc chìm trong đêm dài nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, ra đi tìm đường cứu nước, đưa chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam; sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Có Đảng, chúng ta mới làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945; chiến thắng vang dội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo và phấn đấu không mệt mỏi của toàn dân tộc, khẳng định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Có một Tượng đài Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè quốc tế

Trong từng bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều in đậm công lao của Người. Tên Người gắn liền với tên đất nước, là nguồn lực, là sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Người hiện thân trong từng nhịp sống của đất nước, trong vòng tay kết nối với bạn bè khắp năm châu. Ở nhiều nước, hình ảnh của Người trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Trong một ngày cuối tháng Tư vừa qua, ở bên kia bán cầu, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ, đúng dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang thăm, Cu Ba đã long trọng tổ chức đổi tên Công viên Hòa Bình ở trung tâm Thủ đô La Ha-ba-na thành Công viên Hồ Chí Minh và gắn biển thân thế và sự nghiệp của Người. Nổi lên giữa công viên, bức tượng Bác bán thân bằng đồng đặt trên một khối đá cẩm thạch đỏ, trang nghiêm mà gần gũi. Phía sau bức tượng là những rặng tre xanh và xa hơn là những hàng cây cổ thụ - hình ảnh tượng trưng của đất nước Việt Nam kiên cường và bất khuất. Đây là nơi để bạn đến tưởng nhớ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết không gì lay chuyển nổi giữa hai nước mà Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Bức phù điêu Bác Hồ bằng đồng tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Thủ đô Mat-xcơ-va, nước Nga.

Ở trung tâm Thủ đô Mat-xcơ-va của nước Nga có Quảng trường Hồ Chí Minh, mà điểm nhấn là bức phù điêu Bác Hồ bằng đồng, phía dưới khắc câu nói nổi tiếng của Người bằng tiếng Nga: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Tại TP Mông-tơ-rơi, tỉnh Xen Xanh Đờ-ni, nước Pháp, lại có Không gian Hồ Chí Minh, gồm phòng trưng bày và tượng Bác, tạo thành cụm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người hoạt động tại Pháp những năm đầu thế kỷ 20. Những người Việt Nam đến đây đều cảm thấy như đang được sống ở chính quê hương mình. Trên đất nước tráng lệ ấy có những người bạn, người đồng chí thân thiết sẵn sàng hy sinh, đấu tranh chống lại cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân, đế quốc, điển hình như đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bà Ray-mông Điêng (1929-2022). Ngày 23/2/1950, được tin có đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương sắp đi qua nhà ga Tours, Đảng bộ TP Tours đã báo gấp cho các đảng viên ra phản đối. Khi đoàn tàu đi tới, bà đã lao xuống nằm chắn ngang đường ray, buộc lái tàu phải phanh gấp, mũi tàu chỉ cách bà chưa đầy một bước chân. Bà bị phạt tù một năm, nhưng mười tháng sau được trả tự do vì cuộc đấu tranh quyết liệt của những người Đảng Cộng sản Pháp. Một lần trả lời báo chí, bà chia sẻ: "Việt Nam luôn ở trong tâm trí tôi. Đó là lý do tôi quyết lấy thân mình để chặn đoàn tàu hủy diệt đó".

Ở nhiều đất nước xa xôi khác nữa, có thể không dựng tượng Bác, nhưng trong lòng bạn bè quốc tế, luôn có một Tượng đài Hồ Chí Minh vĩnh cửu, không chỉ biểu thị lòng kính trọng đối với Người mà còn là tình cảm thân thiết vững bền dành cho đất nước Việt Nam thân yêu. Cứ mỗi lần đón các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm, phía bạn thường hát vang những ca từ “Việt Nam Hồ Chí Minh; Việt Nam Hồ Chí Minh” trào dâng từ trong chính con tim của họ.

Để xứng đáng là con cháu Bác Hồ

Những ngày tháng Năm lịch sử này, chúng ta lại càng nhớ Bác khôn nguôi, nhớ cuộc sống khổ cực của Người trên hành trình tìm đường cứu nước chỉ với “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”; nhớ những năm tháng đau thương trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc mà Người không đêm nào ngủ yên. Kỷ niệm Ngày sinh của Người, điều cao quý hơn bao giờ hết là chúng ta nguyện biến lòng biết ơn vô hạn thành những việc làm thiết thực, cụ thể để hiện thực hóa điều Người mong ước, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Để xứng đáng là “công bộc” của dân, mỗi cán bộ càng phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Với cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Bắc Giang, đây là dịp tiếp tục ôn lại để khắc ghi sâu hơn những lời Người căn dặn khi về thăm địa phương; đặc biệt là dịp Người về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) tháng 10/1963. Người có hai bài phát biểu với nhân dân và cán bộ tỉnh; với Đại hội Đảng bộ. Người nhắc nhở, nhân dân trong tỉnh phải thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ: Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu... Với hơn 23 nghìn đảng viên khi đó, Người mong phải thật sự đoàn kết nhất trí, vì đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Người dặn: “Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng tiến bộ”(2)

Thấm nhuần lời dạy của Người, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, đã đoàn kết hãy đoàn kết hơn nữa; những việc đã làm tốt hãy làm tốt hơn nữa. Đối với việc chưa làm tốt, hoặc làm chưa được thì xem nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai để cùng bàn cách khắc phục. Tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển giàu mạnh của quê hương. Ai cũng tâm nguyện những điều như thế, chưa làm được như thế thì chưa xứng đáng là công bộc của dân; ai có ý đi ngược lại những điều ấy thì không phải là con cháu Bác Hồ.

(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T. 11, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2009, tr. 154

Bắc Văn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/404914/viet-nam-ho-chi-minh.html