Việt Nam hòa mình cùng quốc tế trong đảm bảo, phát huy nhân quyền

Theo đúng tinh thần đặt người dân ở trung tâm của phát triển, những năm qua, Việt Nam luôn cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thành viên của 7/9 công ước cơ bản về nhân quyền

Hơn 70 năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương tăng cường hợp tác và tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người nhằm thúc đẩy và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế.

Tính đến nay, nước ta là thành viên của 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền con người; trong khi các mặt hợp tác về quyền con người giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng hơn.

Việt Nam cũng đã gia nhập các công ước của LHQ về bảo đảm quyền của người lao động; công ước chống tội phạm xuyên quốc gia và nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em để tăng cường khả năng đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là cho các nhóm yếu thế.

Khi tham gia vào các cơ chế đó, Việt Nam cho thấy vị thế mới, cũng như vai trò chủ động bằng những đóng góp to lớn. Cụ thể, ở cấp độ quốc tế, khi đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã chứng minh sự nghiêm túc và có trách nhiệm, được thể hiện trong việc tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người.

Tại khóa 32 Hội đồng Nhân quyền (tháng 6-2016), Việt Nam cùng Bangladesh và Phillippines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Việt Nam cũng tổ chức các tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng Nhân quyền.

Tại Khóa 31 (tháng 3-2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao Khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật. Tại Khóa 32 (tháng 6-2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển.

Tại Khóa 33 (tháng 9-2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillippines, Trung Quốc và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam đã thực hiện tốt các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế về nhân quyền.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tham gia nghiêm túc vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư… theo đó thúc đẩy quyền con người ở khu vực dựa trên cơ sở bối cảnh thực tế, ghi nhớ tính đặc thù của từng nước và của khu vực, tôn trọng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có tính đến sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm.

Trong các cơ chế song phương, Việt Nam duy trì đối thoại chính thức trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau với nhiều đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Na uy và Australia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người. Nhìn chung, trong các hoạt động hợp tác đa phương hay song phương, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ hình ảnh tích cực, chủ động, với đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đảm bảo quyền con người trên toàn thế giới.

Phát biểu nhân kỷ niệm 73 năm thành lập LHQ cách đây không lâu, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam từng nhấn mạnh: “Tôi rất vui được khẳng định rằng Việt Nam là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ hợp tác đa phương. Việt Nam đã tham gia và đóng vai trò quan trọng cùng với các cơ quan của LHQ, bao gồm Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Nhân quyền, Ban Điều hành của UNESCO, Ủy ban Luật Quốc tế và gần đây nhất cùng với các hoạt động Gìn giữ Hòa bình”.

Hoàn thành hơn 96% khuyến nghị của quốc tế

Rõ ràng, trong quá trình hội nhập quốc tế đó, song song với việc tham gia các công ước, thỏa thuận hay đối thoại về quyền con người cùng nhiều đối tác, Việt Nam cũng cho thấy thái độ nghiêm túc như là một quốc gia thành viên.

Các kết quả mà Việt Nam đạt được đã thể hiện cụ thể trong việc bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; cũng như trong việc luật hóa các quyền con người, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và bảo vệ thành công các báo cáo quốc gia về tình hình nhân quyền trước LHQ, tiêu biểu là Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn tháng 11-2018; Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) Chu kỳ I của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2009; Chu kỳ II vào năm 2014 và sắp tới là Chu kỳ III vào tháng 1-2019.

Trong số này, cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền LHQ do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ.

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR phù hợp mà nước ta đã chấp thuận.

Các nỗ lực của Việt Nam theo đó đều được Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao. Cụ thể, tại cơ chế rà soát định kỳ phổ quát lần đầu vào tháng 5-2009, Việt Nam nhận được 123 khuyến nghị từ 60 nước, chấp thuận 96 khuyến nghị, 5 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện tại thời điểm rà soát.

Hầu hết các nước phát biểu ghi nhận và biểu dương các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền con người kể từ sau phiên rà soát lần đầu tiên năm 2009, cho rằng Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị theo UPR, thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...

Nhiều nước cũng nhận định Báo cáo UPR của Việt Nam có chất lượng tốt, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã có cách tiếp cận tích cực, cởi mở và minh bạch trong quá trình soạn thảo Báo cáo UPR với sự tham gia của nhiều cơ quan Chính phủ, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và của người dân...

Phiên rà soát cơ chế định kỳ phổ quát chu kỳ II về Việt Nam diễn ra vào ngày 5-2-2014 tại Geneva, Thụy Sỹ, nhận được sự quan tâm cao với 106 nước đăng ký phát biểu. Kết thúc phiên đối thoại, Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị.

Trong số này, Việt Nam chấp nhận 182 khuyến nghị và, tính đến nay, đã thực hiện được 175 khuyến nghị, chiếm 96,2%. Để triển khai các khuyến nghị này, Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch tổng thể, với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng bộ, ngành liên quan, theo đó tiến hành các bước cụ thể để cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; giáo dục về quyền con người; tiếp tục gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người.

Đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với những cơ quan thực hiện cơ chế nhân quyền LHQ trong việc triển khai cơ chế UPR, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam từng cho rằng, tiến trình triển khai UPR cần đảm bảo tính độc lập quốc gia, giúp công tác báo cáo kịp thời, triển khai các khuyến nghị được hiệu quả, nâng cao chất lượng tương tác, tính bổ trợ của tiến trình UPR.

Trong khi đó, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã đánh giá cao công sức của Việt Nam trong việc thực hiện Báo cáo quốc gia UPR; ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội và có một cơ chế rõ ràng, nhất quán trong triển khai các khuyến nghị của quốc tế cũng như việc nước ta lần lượt phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế.

H. Chi – T. Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/viet-nam-hoa-minh-cung-quoc-te-trong-dam-bao-phat-huy-nhan-quyen-523784/