Việt Nam kêu gọi đầu tư vào ngành chè

Với lợi thế là mảnh đất sinh sôi của cây chè đã trên 10 vạn năm, VN luôn “sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư” vào phát triển ngành này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong, với lợi thế là mảnh đất sinh sôi của cây chè đã trên 10 vạn năm, lại xếp hàng thứ 5 trên thế giới và thứ nhất ASEAN về khối lượng sản xuất và xuất khẩu chè, Việt Nam luôn “sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư” vào phát triển ngành này. Hiện nay, một bản dự thảo chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm chè đang được xây dựng với những trọng tâm là tạo và cung cấp giống chè năng suất chất lượng cao, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, phát triển khâu chế biến và bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại, đặc biệt là các dự án sản xuất chè sạch. Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo này đã được nêu lên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngành chè do Hiệp Hội chè Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội trong hai ngày 15 và 16/10, cùng với các biện pháp tăng cường năng lực thương mại cho ngành chè, xây dựng sàn đầu giá chè Việt Nam. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chè, như ưu đãi về thuế, về sử dụng đất. Khẳng định chè là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, có giá trị xã hội lớn về nhiều mặt như bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, song Thứ trưởng cũng thừa nhận dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn trong tình trạng chung của toàn ngành nông, lâm, thủy sản và phát triển nông thôn là “hết sức hạn chế”. Trong khi đó, ngoài lợi thế về bề dày lịch sử của cây chè và kinh nghiệm sản xuất chè, Việt Nam được đánh giá là có nhiều điều kiện ưu đãi về thiên nhiên, lao động, thị trường, tiềm năng để mở rộng diện tích chè, đặc biệt là có nhiều vùng có thể phát triển các loại chè đặc sản quý. Những bất cập hạn chế dòng vốn đầu tư vào cây chè được nêu lên là diện tích các giống chè năng suất và chất cao còn ít, người trồng chè vẫn mang ý thức sản xuất thủ công manh mún, chưa có khả năng cung ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến; trong khi các doanh nghiệp lại thiếu liên kết và thiếu kinh nghiệm về quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, cập nhật các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam hiện có khoảng 130 ngàn ha chè với sự tham gia của lực lượng lên tới 675 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và khoảng 400 ngàn hộ gia đình, nhưng mỗi năm cả nước mới sản xuất được khoảng 160 ngàn tấn chè khô. Tuy nhiên, chè hiện đang là một sản phẩm đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Với khoảng 80% sản lượng lượng dành cho xuất khẩu, lượng chè xuất khẩu liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu khoảng 97.000 tấn chè, đạt 127 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là một trong số rất ít sản phẩm xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay./. Ngọc Dung (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/viet-nam-keu-goi-dau-tu-vao-nganh-che/200910/20806.vnplus