Việt Nam không có bản quyền ASIAD, có thể 'nhịn' cả AFF Cup và Asian Cup

Việc các đài truyền hình không thể sở hữu bản quyền ASIAD 18 đã khiến nhiều người dân hết cửa xem U23 Việt Nam thi đấu qua tivi. Và sắp tới, khả năng họ sẽ phải 'nhịn' cả AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.

Khán giả có thể lại phải xem "lậu" ĐT Việt Nam tại AFF Cup. Ảnh: TL

Trước khi World Cup 2018 khởi tranh, hàng triệu khán giả Việt Nam đứng trước nguy cơ không được xem trực tiếp 64 trận đấu của ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới, bởi mức giá đối tác nắm giữ bản quyền đòi quá cao khiến VTV không có khả năng chi trả.

VTV đưa ra quan điểm vào thời điểm đó là sẽ không mua bản quyền bằng mọi giá. Ngoài VTV, cũng không có bất cứ nhà đài nào đủ khả năng để vào cuộc. Đến phút chót, nhờ sự hỗ trợ của 2 tập đoàn lớn là Vingroup và Viettel, VTV mới hoàn tất việc mua bản quyền truyền hình với mức giá vào khoảng hơn 12 triệu USD. Sau đó, toàn bộ 64 trận đấu đã được VTV phát miễn phí cho người hâm mộ trên các kênh quảng bá.

Đến lượt câu chuyện bản quyền truyền hình ASIAD 18 cũng “nóng” không kém. Bởi lẽ, đấy là giải đấu sẽ có sự góp mặt của U23 Việt Nam với những gương mặt từng tạo ra cơn sốt hồi đầu năm ở giải U23 Châu Á 2018. Thế nên, nhu cầu xem không chỉ là của người hâm mộ thể thao mà với hàng triệu người dân Việt Nam.

Cũng giống như việc mua bản quyền World Cup 2018, VTV đã không mua bằng mọi giá vì mức giá được đối tác đưa ra quá cao. Mức giá được đẩy lên một phần cũng đến từ hiệu ứng U23 Việt Nam tạo ra sau khi giành á quân giải U23 Châu Á.

Lúc này, nhiều người hâm mộ đang nghĩ đến một cuộc “giải cứu” đến từ các doanh nghiệp lớn như với bản quyền World Cup 2018, tuy nhiên đã không có một cái tên nào xuất hiện. Và cuối cùng, họ phải xem “lậu” ASIAD 18 qua facebook và internet.

Hồi tháng 3.2017, Lagardere Sports (có trụ sở tại Pháp, là đối tác lâu năm của cả AFC lẫn AFF) công bố sở hữu quyền phân phối AFF Cup từ 2018 đến tận 2024. Họ đồng thời nắm trong tay bản quyền Asian Cup 2019 và vòng loại Olympic 2020. Được biết, giá bản quyền AFF Cup 2018 có thể gấp vài lần AFF Cup 2016, cán mốc hàng triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đài Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong đàm phán sở hữu bản quyền. Người dân có thể sẽ tiếp tục phải "nhịn" xem ĐT Việt Nam thi đấu qua tivi.

Sau câu chuyện bản quyền World Cup 2018, mô hình liên kết các nhà đài và kêu gọi nhiều doanh nghiệp chung tay để mua bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn cần được tính đến. Nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á đã áp dụng phương án này. Đã đến lúc các nhà đài cần chung tay thay vì mang tư tưởng độc quyền. Bên cạnh đó, cần một kế hoạch cụ thể dài hơi, có thể là chào mời các gói đổi quảng cáo với doanh nghiệp để sở hữu bản quyền.

Và cũng đến lúc, người dân cần hình thành thói quen trả tiền để xem truyền hình thay vì miễn phí như trước đây. Các nhà đài cũng cần nhận được những sự chia sẻ để không bế tắc.

HOÀI ĐAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/viet-nam-khong-co-ban-quyen-asiad-co-the-nhin-ca-aff-cup-va-asian-cup-625375.ldo