Việt Nam không khoan nhượng với ma túy

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ nội dung trên và khẳng định, Việt Nam luôn kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

 Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) diễn ra sáng ngày 29/6

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) diễn ra sáng ngày 29/6

Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020 của Quốc hội Việt Nam, sáng ngày 29/6, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch AIPACODD 3, điều hành Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đại sứ các nước ASEAN. Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân, đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) Inshik Sim, đại diện cơ quan cấp cao của ASEAN về ma túy (ASOD) Vyrith Meas cùng các đại biểu đại diện các quốc hội/nghị viện thành viên AIPA tham dự trực tuyến.

Không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh và nhất là ma túy, không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực.

Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả các quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Việt Nam kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy

Đồng thời, bà Tòng Thị Phóng cũng cho biết, Quốc hội Việt Nam đã luôn nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan để có những điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy.

Các nghị quyết của AIPACODD hiện nay và AIFOCOM trước đây là những văn kiện của Nghị viện các nước ASEAN đã có nội dung khá toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tại Hội nghị này cập nhật tình hình phòng, chống ma túy trên thế giới, trong khu vực, các nỗ lực của ASEAN ứng phó với ma túy, để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy; đồng thời, các nghị viện thành viên AIPA cũng cùng rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết thể hiện trong nghị quyết các hội nghị AIFOCOM và AIPACODD, nhất là trách nhiệm các nhà lập pháp cần đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

Biến lời nói thành hành động

Ngay sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, dưới sự điều hành của Chủ tịch AIPACODD 3, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, các đại biểu đã nghe các báo cáo của các chuyên gia về tình hình phòng, chống ma túy trong khu vực thời gian qua, kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong công tác cai nghiện ma túy và thảo luận về tình hình phòng, chống ma túy của quốc gia và trong khu vực đặc biệt trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.

Cập nhật tình hình ma túy và công tác phòng, chống ma túy trên thế giới và trong khu vực, dự báo các vấn đề mới nổi trong giai đoạn tới, ông Inshik Sim, Nghiên cứ viên về Ma túy bất hợp pháp Khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương cho biết: Lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á ước tính lên đến 71 tỷ USD. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức tăng cường sản xuất ma túy nhằm mục đích mở rộng thị trường. Diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanma đã giảm xuống còn 33.000 ha, giảm 11% so với năm 2018.

Theo ông Inshik Sim, số lượng các loại chất kích thần, bao gồm cả thuốc phiện dạng tổng hợp, được báo cáo từ khu vực tăng đều đặn. Do đó, một hệ thống phòng ngừa hiệu quả ở cấp địa phương hay toàn quốc cần được lồng ghép vào một hệ thống lớn hơn, lấy y tế làm trọng tâm, mang tính cân bằng trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy bao gồm giảm cung, điều trị những rối loạn về sử dụng ma túy và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro có liên quan đến sử dụng ma túy.

Chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong dự phòng và điều trị nghiện ma túy, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Việt Nam đã thành lập được hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố với hơn 100 cơ sở cai nghiện, hàng nghìn điểm tư vấn, hỗ trợ xã hội dành cho người cai nghiện ma túy ở xã, phường.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo việc làm, vay vốn, ổn định sinh kế cho người sau cai nghiện trở về, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức điều trị, cai nghiện cho gần 300.000 lượt người nghiện ma túy; hỗ trợ tạo việc làm, tạo sinh kế cho hơn 50.000 lượt người sau cai nghiện.

Với những kết quả đạt được, Việt Nam đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến người nghiện ma túy như: Phải có được sự ủng hộ về mặt chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng, trong đó tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực tiễn; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại và các ảnh hưởng của ma túy đối với cộng đồng, xã hội.

Theo ông lê Văn Thanh, ma túy và tình trạng nghiện ma túy là một vấn đề xã hội, do vậy để giải quyết phải chú trọng các biện pháp xã hội; kết hợp các biện pháp hành chính, hình sự; đặc biệt phải huy động được hệ thống chính trị, người dân tham gia vào công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy; tham gia vào công tác điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy; hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng…

Tại Hội nghị các đại biểu đã thông qua dự thảo Nghị quyết “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” và báo cáo của Hội nghị. Dự kiến, Báo cáo của Hội nghị sẽ được kí vào phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Đại hội đồng AIPA 41 vào tháng 9 tới.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/viet-nam-khong-khoan-nhuong-voi-ma-tuy-348864.html