Việt Nam không ngừng mơ ước và hành động phát triển

'Việt Nam không ngừng mơ ước, khát vọng hướng về phía trước, nhưng thực tại còn nhiều điều buộc phải đối mặt, vượt qua. Những hạn chế yếu kém không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, vươn lên mạnh mẽ' – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại phiên họp tổng thể với chủ đề 'Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng' của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 diễn ra chiều ngày 19/9.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Việt Nam đang đặt mục tiêu tới năm 2030 là nước có nền tảng công nghiệp, mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam nhận diện được những khó khăn trước mắt sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và thách thức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp toàn thể "Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng"

Chia sẻ kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình của Malaysia, ông K.Yogeesvaran – nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia - cho biết, Malaysia mất 27 năm để từ thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Quốc gia này dự kiến trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2024. Dự kiến năm 2020 khoảng cách thu nhập của quốc gia này so với ngưỡng thu nhập tối thiểu của quốc gia thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB) là 8%.

Tuy nhiên, trong quá trình vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn, Malaysia đã phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng nhanh, nhưng thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch, vấn đề đầu tư công nghệ, kỹ năng, chất lượng của nguồn nhân lực. Do đó, ông K.Yogessvaran cho rằng, một trong những giải pháp để tránh bẫy thu nhập trung bình là đầu tư xứng đáng vào nguồn nhânn lực, con người. Ngoài ra, cần xem xét sự cân đối giữa phát triển khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng.

Ngoài ra, đại diện Malaysia cho rằng, tập trung vào đổi mới sáng tạo là định hướng phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo bà Pinelopi Kouịanou Goldberg – Phó Chủ tịch cao cấp, Chuyên gia kinh tế trưởng Nhóm Ngân hàng Thế giới – Việt Nam cần tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng năng suất.

Hiện, Việt Nam đang thành công trong việc tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu sản xuất công nghiệp nhẹ. Từ năm 1995 đến nay, tốc độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam tăng rất nhanh, tuy nhiên, theo bà Pinelopi Kouịanou Goldberg, vẫn chưa lên đến chuỗi có giá trị gia tăng cao.

Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cao hơn vào nguồn nhân lực và tham gia sâu hơn, ở phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Tham gia vào GVC, các doanh nghiệp có năng suất cao hơn, việc làm tốt hơn và năng suất cao hơn giúp giảm tỷ lệ đói nghèo” – bà Pinelopi Kouịanou Goldberg đề xuất.

Trong khi đó, ông Jan Rielaender - Đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm phát triển, Trưởng bộ phận đánh giá quốc gia đa chiều của OECD - cũng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ở ba tốc độ năng suất: Cao nhất là khu vực FDI, tiếp đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và khu vực nông nghiệp… Vì vậy cần nâng cao năng suất để kéo gần khoảng cách khối doanh nghiệp tư nhân, khu vực phi chính thức với doanh nghiệp nhà nước và FDI.

Đồng thời, liên kết tốt hơn, hội nhập tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… Bên cạnh đó là cải thiện thể chế, trong đó cải thiện tính minh bạch và tính dự đoán được của chính sách và thực thi pháp luật. Hay quản lý tốt hơn doanh nghiệp nhà nước…

Phiên họp toàn thể thu hút đông đảo chuyên gia kinh tế, tổ chức nước ngoài và trong nước... tham dự

Không chỉ ước mơ mà phải hành động

Lắng nghe rất kỹ các diễn giả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và trân trọng các ý kiến của các vị đại biểu.

Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng đồng tình, đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, những hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu, thích ứng với những tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế.

Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô kinh tế đứng thứ 6. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. “Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, không chỉ ước mơ mà phải hành động” - Thủ tướng bày tỏ và nêu rõ, trong quá trình này rất mong có sự đồng hành của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước

Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030 trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường của thế giới, trong đó có chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực. Phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển.

Thứ tư là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 thịnh vượng đến mọi nhà, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ năm là mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tiếp tục tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng dòng chảy đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với các tập đoàn xuyên quốc gia. Điển hình như hợp tác sản xuất, “xuất khẩu hàng hóa có địa chỉ” với Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel. Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33% nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực, tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình"- Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cho biết, những ý tưởng chính sách nhằm hoàn thiện thể chế mà TS David Dollar, Viện Brookings, Hoa Kỳ, nêu ra cần được nghiên cứu nghiêm túc để triển khai cụ thể. Kinh nghiệm về tránh bẫy thu nhập trung bình nhờ đổi mới sáng tạo, như ông Yogeesvaran - nguyên Thứ trưởng Malaysia trình bày rất đáng để Việt Nam học hỏi. Kinh nghiệm của Indonesia, của Hàn Quốc và các nước khác cũng như đề xuất của các chuyên gia tại Diễn đàn có nhiều nội dung hữu ích. Những khuyến nghị cách thức tiến lên tầm phát triển mới trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế đa dạng mà đại diện OECD trình bày cần được tham khảo, phân tích kỹ, làm đầu vào khi hoạch định chính sách.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam. Từ đó, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-khong-ngung-mo-uoc-va-hanh-dong-phat-trien-125429.html