Việt Nam không thể là bãi rác công nghệ của thế giới

(Công lý) - Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp UBTVQH sáng nay 13/9 khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ (Luật CGCN).

Ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu

Theo Tờ trình của Chính phủ, hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì trình độ công nghệ gắn chặt với vị thế của mỗi quốc gia. Thời gian qua, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng…) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 – 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

Hiện tại, nền KH&CN thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cũng đã ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…; nhiều đạo luật liên quan đến CGCN đã được sửa đổi, ban hành.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời để đáp ứng yêu cầu đặt ra; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước CGCN ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban GDTTNNĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN năm 2006 là chưa thể đáp ứng. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật CGCN năm 2006.

Bên cạnh đó, cần phân tích, đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động CGCN ở nước ta trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể; nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại nhất là trong quản lý nhà nước về CGCN để tránh tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu, có thể biến nước ta thành một “bãi rác công nghệ”, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, những bất cập mà tổng kết 10 năm có giải quyết được vấn đề Việt Nam đang là bãi rác công nghệ của thế giới hay không? Chúng ta nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chúng ta cũng phải nắm tình trạng này trong chuyển giao như thế nào để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta đang đứng trước thách thức là do chưa kiểm soát được công nghệ nên đã ảnh hưởng để môi trường, đến an sinh xã hội, mà vụ Formosa là một ví dụ điển hình. Tình trạng này liệu có phải cho Luật Chuyển giao công nghệ hay do các luật khác, hay do quản lý của nhà nước ta chưa tốt? Theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, có sự tồn tại này là do cả luật pháp, do khâu tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về môi trường. Đi vào những vấn đề cụ thể liên quan đến điều cấm, công nghệ hạn chế chuyển giao, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, cho rằng, chúng ta phải quy định rõ, hạn chế thì bằng cơ chế, cơ quan nào có thể kiểm tra, kiểm soát vấn đề này được? Nếu không quy định rõ thì chúng ta vẫn không giải quyết được vấn đề tồn tại thời gian qua.

Đưa kết quả nghiên cứu KHCN đến với doanh nghiệp

Về chính sách của Nhà nước về CGCN, trước đó, khi thảo luận, các thành viên của Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, cần chú trọng CGCN trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, chú trọng cập nhập CGCN nhằm phát triển các sản phẩm Quốc gia theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu và nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu KH&CN, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng NSNN vào thực tiễn sản xuất, theo chuỗi giá trị, chú trọng CGCN phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa, phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam. Song song với việc chỉnh sửa Điều 5 về chính sách của Nhà nước về CGCN, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa Điều 44 “Chính sách thuế để thúc đẩy và giám sát hoạt động CGCN” theo hướng cụ thể, chi tiết hơn và phù hợp với quy định của pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích đối với hoạt động CGCN tiên tiến, hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam, coi đây là một kênh quan trọng để hiện đại hóa công nghệ trong nước, song song với việc tự nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGD-TTNNĐ Phan Thanh Bình, để làm được điều đó, chúng ta cần chú trọng đến Quy trình chuyển giao KHCN làm sao để ứng dụng trong thực tế. Quy trình này phải qua ba giai đoạn: Từ phòng thí nghiệm, qua các tổ chức khớp nối, rồi mới đến doanh nghiệp, thì hiện nay đơn vị trung gian này rất quan trọng nhưng Luật không đề cập đến. Việc bắt một ông thầy nghiên cứu ở phòng thì nghiệm đem bán sản phẩm của mình cho DN là điều không thể mà phải qua đơn vị trung gian”. Vậy thực trạng 10 năm qua vấn đề này như thế nào, cần phân tích rõ và quy định cụ thể, ông Bình nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với việc sửa đổi Luật này và đề nghị, phạm vi sửa đổi, bổ sung cần bao quát, toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập mà tổng kết 10 năm thực hiện Luật đã đề cập đến.

Về nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 BCHTW ngày 31/10/2012 là “có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết 20 đã quy định và phải khắc phục những bất cập, hạn chế để Việt Nam không là bãi rác công nghệ của thế giới.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/viet-nam-khong-the-la-bai-rac-cong-nghe-cua-the-gioi-173858.html