Việt Nam khuyến khích khởi nghiệp ở WEF ASEAN 2018

Từ ngày 11 – 13/9/2018 tại Hà Nội, hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (World Economic Forum - WEF ASEAN 2018) được tổ chức với chủ đề 'ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0'. Hội nghị có sự tham dự của tám lãnh đạo cao cấp nhất của ASEAN.

Ngoài ra còn có tham dự của 900 nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, học thuật, và bao gồm 75 nhà khởi nghiệp đại diện sự năng động và tinh thần kinh doanh trong khối ASEAN (Association of South East Asian Nations). Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu khai mạc WEF ASEAN 2018.

Chủ đề ASEAN 4.0

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, những công nghệ mới đang mang đến giải pháp tuyệt vời giải quyết những vẫn đề đã tồn tại rất lâu, tuy nhiên nó cũng đang làm thay đối cấu trúc xã hội và việc làm.

Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc WEF ASEAN 2018 (Ảnh: Reuters)

Theo thông kế, lực lượng lao động ở các nước ASEAN tham gia thị trường vào khoảng 11.000 người mỗi ngày và sẽ duy trì trong 15 năm tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của robot công nghiệp với nhiều ưu việt so với lao động phổ thông hay công nghệ Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, Machine intelligence - AI) đang đe dọa việc làm trong lĩnh vực dịch vụ. Câu hỏi đặt ra làm thế nào người lao động trong khu vực ASEAN tìm được việc làm trong bối cảnh như vậy?

Thêm vào đó, trong bối cảnh địa chính trị thay đổi trong khu vực và trên thế giới, các nước trong khối đang đối mặt với việc mất đi tiếng nói chung, tầm nhìn chung, mất đi sự đồng thuận và tìm thiết lập những mối quan hệ độc lập với các nước khác ngoài khu vực. Điều này đi ngược lại tinh thần thống nhất, đồng thuận của ASEAN.

Do đó, các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực sẽ họp mặt tại Hội nghị này, tập trung bàn về những đổi mới cần thiết để thúc đẩy khu vực tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. Cụ thể hơn, chương trình nghị sự bàn thảo về các vấn đề từ tập đoàn công nghệ đến những thay đổi địa chính trị của khu vực, những cơ hội và trở ngại lớn phía trước của cuộc cách mạng 4.0 với các nước ASEAN.

Chương trình nghị sự của hội nghị đưa ra dường như gắn với những vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm hiện nay: Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; giúp Việt Nam rút ngắn khoản cách phát triển kinh tế và công nghệ với các nước phát triển; Việt Nam muốn nhấn mạnh tính đồng thuận cần thiết của các nước ASEAN.

Ngày 11/9/2018 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đến dự WEF ASEAN 2018 (Ảnh: Getty)

Tiến sĩ Ahmed nói gì về việc tổ chức WEF ASEAN 2018?

Trước thềm Diễn đàn WEF ASEAN 2018, Giáo sư - Tiến sĩ Faisal Ahmed, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế quốc tế tại trường Quản lý FORE, là trường đầu ngành về kinh tế ở New Delhi, cho rằng ASEAN được thành lập năm 1967 và đã hoàn tất 50 năm hội nhập thành công năm 2017, tuy nhiên một số nước trong khu vực vẫn đang đối mặt với các thách thức về địa chính trị, công nghiệp hóa, các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và việc làm..., đặc biệt là trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư Ahmed nhận định rằng sự kiện WEF ASEAN 2018 có sự tham gia của nhiều bên nên có nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận như phát triển cơ sở hạ tầng về mặt vật lý, cơ sở hạ tầng số, thành phố thông minh, những lợi ích mang tính đòn bẩy cho khởi nghiệp, giảm bất bình đẳng, những thách thức về nhân khẩu học, xóa đói giảm nghèo, mối đe dọa chiến tranh thương mại và những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng và phải được giải quyết...

Theo Giáo sư Ahmed, các nước ASEAN cần tập trung thảo luận 3 vấn đề quan trọng và cấp bách: Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nước ASEAN để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Chiến tranh thương mại đang khiến môi trường kinh doanh trở nên khó đoán định và tạo ra những hạn chế cho nhiều nước ASEAN.

Giáo sư Faisal Ahmed cũng cho rằng, WEF ASEAN 2018 sẽ khiến Việt Nam được quốc tế chú ý nhiều hơn và hình ảnh về Việt Nam sẽ được quảng bá tới khắp thế giới. Việt Nam có thể xây dựng lòng tin trên toàn cầu đối với việc mở rộng thị trường của mình, thu hút các luồng đầu tư và cải thiện các chỉ số kinh tế-xã hội khác.

“ASEAN chắc chắn bị ảnh hưởng” vì cuộc thương chiến Mỹ - Trung

Ý kiến nói căng thẳng mậu dịch giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ - Trung đang “lâm chiến” với mức độ cao nhiều khả năng gây tổn thương cho nền kinh tế khối ASEAN, trong đó có Việt Nam. Nên hiểu vấn đề nhạy cảm này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu chụp ảnh selfie bằng điện thoại sau khi dự WEF ASEAN 2018 (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo ông Justin Wood - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF, cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể cũng khiến ASEAN phải tự thay đổi mô hình kinh tế. Ông nói:

"Chúng ta thấy mậu dịch toàn cầu bị tổn thương bởi những tranh chấp này và nếu chúng ta thấy tình hình xấu đi thì nền kinh tế của ASEAN chắc chắn sẽ bị tổn thương khá nặng".

Ông cho rằng các nền kinh tế ASEAN đã có nhiều thập niên phát triển dựa vào mô hình xuất khẩu, chế tạo và nhiều nước trong khối vẫn rất phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng của họ cũng như mời gọi đầu tư từ bên ngoài vào.

"Vì vậy, chắc chắn là ASEAN quan tâm tới việc thấy một môi trường thương mại thế giới rất lành mạnh với cam kết cho một hệ thống mở, minh bạch và tuân theo luật lệ. Và nếu điều đó bắt đầu bị tổn hại bởi tranh chấp hiện tại, thì tôi nghĩ nó sẽ gây tổn hại rất lớn cho ASEAN".

Trí tuệ nhân tạo là vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn và Việt Nam (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, ông Wood cũng cho rằng đây là lúc để xem ASEAN phản ứng như thế nào:

"Từ trước tới nay, ASEAN có xu hướng dựa vào thị trường bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng nhưng ASEAN có dân số 600 triệu người và họ đang có sức mua ngày càng tăng, nên tôi nghĩ rằng đây là thời điểm quan trọng đối với các quốc gia ASEAN để bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về thị trường trong nước chứ không phải là thị trường bên ngoài hay thế giới".

Giám đốc khu vực Châu Á của WEF cho rằng ASEAN cần dựa vào cái gọi là ý tưởng về một thị trường chung:

"Nếu ASEAN có thể xây dựng một thị trường chung thực sự có sự kết nối mạnh, thì thị trường và nhu cầu khu vực có thể tạo lực đẩy thực sự cho ASEAN. Tôi nghĩ đó là điều mà ASEAN hiểu nhưng bây giờ là lúc họ cần phải tăng tốc để đạt được những tiến bộ hướng tới việc đạt được viễn cảnh của thị trường chung vượt ra ngoài ASEAN bởi dường như bức tranh mậu dịch toàn cầu đang đối diện một số thách thức".

Tường Quyên

(Theo BBC News)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/viet-nam-khuyen-khich-khoi-nghiep-o-wef-asean-2018-d70113.html