Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có người hút thuốc lá cao nhất thế giới

Sáng ngày 14/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá do PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện các Ủy ban của Văn phòng Chính phủ, cơ quan TW, UBND, Sở Y tế, các Bộ, ban ngành có liên quan.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Thực hiện Quyết định số 394/QĐ-BYT ngày 30/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đánh giá 05 thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 05 thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2013. Đây là đạo luật đầu tiên quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nội luật hóa những cam kết của Việt Nam tại Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới mà Việt Nam đã ký kết tham gia từ năm 2004.

Đây cũng là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định khá toàn diện về các biện pháp giảm cung, giảm nhu cầu sử dụng, giảm tác hại và các điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của thuốc lá, thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và người dân cả nước trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng và phòng, chống các yếu tố nguy cơ đến bệnh không lây nhiễm của Việt Nam nói chung.

“Đây là Hội nghị hết sức quan trọng, thông qua Hội nghị này, chúng ta sẽ nắm bắt được những thông tin, chia sẻ được kinh nghiệm quý báu trong quá trình tổ chức, triển khai thi hành Luật. Do đó, tôi đề nghị các báo cáo viên trình bày đầy đủ, xác thực, thẳng thắn những mặt đạt được, những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật. Tôi cũng đề nghị các đại biểu có những ý kiến đóng góp, trao đổi một cách tích cực, góp ý cho dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Luật của Bộ Y tế được đầy đủ, toàn diện” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức y tế thế giới, hiện nay Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3% có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc.

Tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%. Tuy nhiên, hiện có 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. 36,8% người không hút thuốc (tương đương 5,9 triệu người) làm việc tại các khu vực trong nhà (có mái che và tường bao) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá; 18,5% người không hút thuốc (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng xuất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới khoảng 25 nghìn tỷ đồng mỗi năm, chiếm gần 0,5% GDP cả nước.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ban hành theo thẩm quyền được tổng số 17 văn bản để hướng dẫn 06/06 nội dung được luật giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết bảo đảm đầy đủ các nội dung được giao trong Luật. Việc ban hành văn bản cơ bản bảo đảm tính kịp thời theo hiệu lực của Luật.

Thứ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc

Bên cạnh đó, kết quả rà soát cũng cho thấy, có một số quy định không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật PCTHTL chủ yếu là các văn bản đã được ban hành trước đó nhưng nội dung nhỏ nên các Bộ chưa có đề xuất sửa đổi. Một số văn bản đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp nhưng chủ yếu là văn bản hành chính nên dễ bị bỏ sót trong quá trình rà soát, bãi bỏ.

Một số văn bản còn có quy định chưa bảo đảm tính phù hợp, ví dụ như mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến PCTHTL trong các Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP còn thấp chưa đủ tính răn đe hoặc chưa thống nhất về mức phạt, mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá còn thấp, quy định về xử lý thuốc lá nhập lậu còn chưa phù hợp. Còn thiếu các quy định liên quan đến các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực, công tác tham mưu, chỉ đạo, quán triệt của các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành khá đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm quán triệt việc triển khai thực hiện Luật. Phạm vi của các văn bản chỉ đạo điều hành bao quát được nhiều nội dung phòng, chống tác hại cảu thuốc lá như: Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL, phân công nhiệm vụ cho cơ quan thường trực, đơn vị đầu mối và các cơ quan, tổ chức là thành viên Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, ban hành Kế hoạch hoạt động hằng năm...

Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân về tình hình, kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của Bộ, ngành, địa phương. Chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý vi phạm còn gặp khó khăn. Mức xử phạt còn nhẹ. Một số hành vi có mức xử phạt chưa thống nhất giữa các văn bản, một số hành vi có mức phạt chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính khả thi.

Do lực lượng thanh tra mỏng, cùng một lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm đến việc thanh kiểm tra công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Hành vi hút thuốc lá nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt.

Thông qua báo cáo cho thấy, trong 05 năm vừa qua, cũng có sự tăng đáng kể hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động. Cụ thể: Năm 2018 hầu hết những người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi (92% so với 86% vào năm 2016) và viêm phổi ở trẻ em (92% so với 87% vào năm 2016). Hầu hết những người không hút thuốc (96%) trong năm 2018 đều nói rằng họ quan tâm đến sức khỏe của con họ khi họ hút thuốc gần con họ; 93% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần người khác và 96% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc khi ở gần trẻ em.

Về phía người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc cũng như nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nơi công cộng và nơi làm việc.hậu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ tết, đám cưới, đám hiếu...

Thông qua tổng kết, đánh giá 05 năm thi hành, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ bản vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, chưa có các vướng mắc, bất cập lớn về chính sách nên chưa phải đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, cần kiến nghị đối với địa phương.

Các biện pháp về chỉ đạo điều hành, tổ chức lực lượng, nhân lực, phối hợp trong tổ chức thực hiện Luật; Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp Luật; Bảo đảm các điều kiện bảo đảm thi hành Luật...

Tuệ Linh

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/vi%E1%BA%B9t-nam-l%C3%A0-1-trong-15-qu%C3%B3c-gia-co-nguoi-h%C3%BAt-thu%C3%B3c-l%C3%A1-cao-nh%C3%A1t-the-gioi-6405/