Việt Nam là 'địa chỉ đỏ' sản xuất vải denim

Hiện nay, các sản phẩm may mặc từ vải denim chiếm khoảng 80 tỷ USD trong ngành công nghiệp xuất khẩu toàn cầu. Tại Việt Nam, cả nhà đầu tư ngoại và nội cũng đang 'ồ ạt' đổ vốn.

Việt Nam được xem như một trong những "địa chỉ đỏ" sản xuất vải demi - nguyên liệu tạo ra sản phầm quần jeans, của khu vực.

Nếu như trong chuỗi cung ứng ngành dệt may đang gặp phải “nút thắt cổ chai” trong khâu dệt và vải, tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ nguồn nguyên liệu của hoạt động sản xuất vải denim – nguyên liệu tạo ra các sản phẩm quần jeans, lên tới 55-60%. Có được điều này phải kể đến việc chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI liên quan đến hoạt động sản xuất vải demi.

Điểm danh những cái tên doanh nghiệp FDI phải kể đến nhà đầu tư Hyosung của Hàn Quốc, hay Texhong của Trung Quốc… những doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục triệu cọc sợi để sản xuất vải denim. Ngoài ra, cũng phải kể đến dự án hợp tác giữa doanh nghiệp TCE (Hàn Quốc), Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam.

Cụ thể, đây là dự án xây dựng nhà máy dệt vải denim với công suất 30 triệu mét/năm đã được khởi công tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định với tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD. Theo đó, dây chuyền dệt vải denim là dây chuyền hiện đại, đầu tư đồng bộ từ công đoạn mắc - nhuộm - hồ - dệt - hoàn tất. Được biết, đây là dự án hợp tác đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vải denim giữa doanh nghiệp Việt Nam và “ông lớn” trong ngành dệt may đến từ Hàn Quốc.

Về phía mình, các doanh nghiệp trong nước cũng không “kém cạnh”. Đó là Phú Cường, Thiên Nam, Việt Hồng, Tường Long, Tổng Công ty Phong Phú… đang sản xuất một khối lượng lớn vải denim. Ngoài ra, trong khâu dệt sợi và vải phải kể đến nhà đầu tư Việt Nam là Công ty TNHH Dệt Tường Long đã có sản phẩm vải cung cấp cho thị trường trong nước và được các thương hiệu có tên tuổi nước ngoài lựa chọn là đối tác cung cấp vải như Express, American Eagle Outfitters, GU (Uniglo).

Các hoạt động đầu tư chủ động với dây chuyền công nghệ hiện đại và quy mô lớn khiên Việt Nam trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” cho hoạt động sản xuất vải jeans. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất và đầu tư thông qua các hội chợ về sản xuất vải denim và jeams. Những năm gần đây, các hoạt động này diễn ra với tần suất nhiều và quy mô lớn hơn, nhờ đó, các sản phẩm jeans của Việt Nam được sản xuất từ vải denim cũng đã được thị trường Mỹ và EU đón nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: “Các doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực cố gắng đầu tư đẩy mạnh tỉ lệ sản xuất thiết kế và chế tạo theo đơn đặt hàng (ODM) và có tham gia vào khâu thiết kế (FOB) lên để giảm tỉ lệ gia công”.

Ngoài ra, được biết Hiệp hội cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm việc trực tiếp với nhà cung cấp nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất từ FOB trở đi.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/viet-nam-dia-chi-do-san-xuat-vai-jeans-131405.html