Việt Nam là điểm dừng chân trong chiến dịch 'hướng Nam' của các tập đoàn

Căng thẳng thương mại kết hợp với chi phí kinh doanh ngày càng tăng ở Trung Quốc đã khiến các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch đầu tư. Trong đó, Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng trong chiến dịch 'hướng Nam' này.

Gần 70% nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Ảnh: TD

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước đây, các tập đoàn đa quốc gia của các nước tập trung đầu tư tại thị trường Trung Quốc do đây là thị trường tiêu thụ lớn, chi phí lao động thấp.

Nhưng hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ gặp phải rào cản khi xuất khẩu hàng hóa vì tỉ trọng chiếm lĩnh thị trường thế giới của Trung Quốc là khá lớn. Hơn nữa, chi phí kinh doanh tại Trung Quốc đã không còn rẻ nữa. Do đó, các tập đoàn đa quốc gia đang “lên kế hoạch" cho chiến dịch hướng Nam của mình.

“Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng trong chiến dịch này", ông Lộc nói tại buổi họp báo Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 diễn ra chiều 30-8 tại Hà Nội.

Theo giải thích của ông Lộc, với lợi thế địa kinh tế, chính trị, Việt Nam là một điểm “kết nối” rất quan trọng với nền kinh tế thế giới thông qua vị trí chiến lược. Hơn nữa, thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nước có độ mở lớn nhất trong khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu, giao thương giữa các quốc gia.

Jetro (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) năm ngoái đã khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ các nhà đầu tư Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng hoạt động trong hai năm tới cao nhất trên thế giới, chiếm gần 70%. Trong khi đó, con số này ở các nước ASEAN đều dưới 60%, ở Trung Quốc chỉ khoảng hơn 40%.

Không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng đã đưa ra chiến lược hướng Nam này và Việt Nam nằm trong danh sách đầu tiên vì sự “kết nối" đó.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 có chủ đề: “Việt Nam - Đối tác kinh tế tin cậy: Kết nối và Sáng tạo" do VCCI chủ trì ngày 13-9 tới đây cũng đề cao đến lợi thế “kết nối" của Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Lộc, “sáng tạo" cũng là một trong những điểm nhấn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

“Sáng tạo đang là tinh thần chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đang cố gắng trở thành nền kinh tế sáng tạo, gắn liền với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Ông Lộc hy vọng, thông qua Hội nghị VBS 2018, làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam sẽ không chỉ là đầu tư vì lao động giá rẻ, quy mô thị trường mà còn để “kết nối” và “sáng tạo” với Việt Nam.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277891/viet-nam-la-diem-dung-chan-trong-chien-dich-huong-nam-cua-cac-tap-doan.html