Việt Nam là điểm sáng trong khu vực Asean về thu hút FDI

Theo thống kê, Việt Nam đang nằm trong vùng động lực về thu hút FDI nhất. Tỷ trọng FDI vào Việt Nam trong khu vực ASEAN tăng liên tục từ 7% năm 2010 lên trên 10% năm 2017. Dự báo trong thời gian tới luồng FDI vào khu vực này vẫn tiếp tục ổn định.

FDI tiếp tục cho thấy triển vọng ổn định

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, mặc dù có sự sụt giảm trong hai năm trở lại đây, nhưng đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục cho thấy triển vọng ổn định do tăng trưởng toàn cầu đang trên đà phục hồi. GDP dự kiến tăng ở các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Các hoạt động kinh tế mua bán – sáp nhập (M&A) dự báo sẽ vẫn diễn ra tích cực. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong hai năm 2016 - 2017 là động lực quan trọng giúp duy trì dòng FDI giữa các quốc gia (mặc dù xu hướng 2 năm trở lại đây có vẻ ngược lại).

Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là nơi tiếp nhận đầu tư FDI. Ảnh minh họa

Bằng chứng, các dự báo gần đây chỉ ra rằng năm 2018 FDI toàn cầu có thể tăng lên, từ mức 1,43 ngàn tỷ năm 2017 lên, trong khoảng từ lên 1,45 - 1,57 ngàn tỉ USD (tăng khoảng 1,3%- 9,6%) trong đó tăng nhanh ở các nền kinh tế phát triển trong khoảng 5-10%; với nền các nền kinh tế đang phát triển dòng vốn đầu tư sẽ giảm nhẹ khoảng 5% so với 2017. Mặc dầu vậy, dòng vốn FDI vào khu vực châu Á vẫn giữ ở mức ổn định khoảng 470 tỷ như năm 2017.

Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là nơi tiếp nhận đầu tư FDI. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào việc phát triển của các quốc gia châu Á, đồng thời dự báo các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Singapore là những quốc gia có triển vọng nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

FDI đầu tư vào các quốc gia trong khu vực ASEAN, bao gồm các nền kinh tế có thu nhập trung bình – thấp đặc biệt là các nước CLMV (Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam) cũng được dự báo gia tăng.

Việt Nam nằm trong vùng động lực về thu hút FDI nhất

Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, hiện Việt Nam nằm trong vùng động lực về thu hút FDI nhất. Các quốc gia Đông Ávà Đông Nam Á chiếm tới 33% tổng FDI toàn cầu, trong đó khu vực ASEAN chiếm 33,5%.

“Tỷ trọng FDI vào Việt Nam trong khu vực ASEAN tăng liên tục từ 7% năm 2010 lên trên 10% năm 2017. Dự báo trong thời gian tới luồng FDI vào khu vực này vẫn tiếp tục ổn định, vì vậy mức đầu tư vào Việt Nam được kỳ vọng vẫn giữ được ở mức cao như năm 2016 và 2017”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, có hai yếu tố tác động trực tiếp tới FDI vào Việt Nam trong ngắn hạn đó là chiến tranh thương mại và điều chỉnh thuế thu nhập của Mỹ. Cả hai yếu tố này đều có những mặt tích cực lẫn tiêu cực tới thu hút FDI ở Việt Nam.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, với việc điều chỉnh thuế thu nhập của Mỹ, dự báo có tác động tiêu cực tới dòng FDI toàn cầu và vì vậy cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Luật thuế mới của Mỹ có thể có tác động đến đầu tư của Mỹ tại Việt Nam trên nhiều góc độ.

Thứ nhất, với mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh xuống 21% và và áp thuế với khoản lợi nhuận phát sinh từ nước ngoài, các công ty Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam có thể xem xét lại các chiến lược đầu tư ở Việt Nam hoặc có thể rút lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển hoạt động về Mỹ, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng giảm thuế của một số nước khác hoặc các ưu đãi khác nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại, từ đó làm cho sức cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm đi tương đối.

So với các nước trong khu vực, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam (tính theo $PPP), mặc dù đã được cải thiện và thu hẹp khoảng cách, song vẫn còn rất lớn. Năm 2015, NSLĐ Việt Nam thấp hơn NSLĐ của Singapore 17 lần, thấp hơn NSLĐ của Nhật Bản 11 lần, thấp hơn NSLĐ của Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 NSLĐ của Malaysia và 2/5 NSLĐ của Thái Lan.

Điều đáng nói là, NSLĐ của các nước kém phát triển hơn đang dần bắt kịp NSLĐ của Việt Nam cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu và nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế là khá rõ. Tuy nhiên, nếu sự chuyển hướng đầu tư xảy ra, tác động lớn sẽ tập trung vào dòng FDI đang tận dụng lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam hơn là dòng FDI đầu tư vào các tài sản chiến lược hoặc đầu tư với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường. Cơ cấu đầu tư của Mỹ ở Việt Nam tập trung nhiều hơn vào nhóm thứ nhất hơn, vì thế có thể tác động trực tiếp sẽ là không lớn.

Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam từ các nước khác.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201812/viet-nam-la-diem-sang-trong-khu-vuc-asean-ve-thu-hut-fdi-623431/