Việt Nam là quán quân về tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

Với việc tăng ngoạn mục 10 bậc và 3,5 điểm, vươn lên đứng vị trí 67 trong 141 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI 2019).

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 10 bậc trong 1 năm vừa qua.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 10 bậc trong 1 năm vừa qua.

Cải thiện vượt trội

Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, năm 2019, Việt Nam được WEF đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu.

Theo đó, năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Kết quả này đạt được là do 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc. Cụ thể, các trụ cột tăng điểm là: ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường sản phẩm, mức độ năng động trong kinh doanh, thị trường lao động, năng lực đổi mới sáng tạo, thể chế, kỹ năng, quy mô thị trường.

Năm 2019, WEF thực hiện xếp hạng NLCT 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột (GCI 2018 bao gồm 98 chỉ số). Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo.

Vui mừng trước sự thăng hạng về NLCT của Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, sự cải thiện NLCT của Việt Nam rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua như: nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Song song với đó là những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện chính phủ điện tử và nền kinh tế số, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chỉ số NLCT ở các địa phương...

“Dù con đường cải cách còn chông gai, hành trình cải cách còn nhiều việc phải làm, nhưng nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và NLCT ở Việt Nam mấy năm qua đã gặt hái những “chùm quả ngọt”. Đó là những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” – ông Lộc nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng của hầu hết các chỉ số thành phần trong 8/12 trụ cột nêu trên, song vẫn còn 3 trụ cột tụt hạng và 1 trụ cột giữ vị trí không đổi. Cụ thể, trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô không thay đổi điểm số và thứ hạng. Các trụ cột hệ thống tài chính, cơ sở hạ tầng, y tế tụt hạng.

Mặt khác, có đến 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về NLCT (thứ 67) gồm thể chế (89), cơ sở hạ tầng (77), y tế (71), kỹ năng (93), thị trường sản phẩm (79), thị trường lao động (83), mức độ năng động trong kinh doanh (89) và năng lực đổi mới sáng tạo (76).

Đặc biệt, ở cấp độ các chỉ số thành phần, một số chỉ số có sự suy giảm mạnh, trong đó đáng chú ý là trong trụ cột hệ thống tài chính, nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy, tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DNVVN. Hay hiệu quả giải quyết phá sản DN tiếp tục là rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đứng cuối bảng xếp hạng (trong đó, mức độ phục hồi sản xuất kinh doanh đứng thứ 112, khuôn khổ pháp lý về giải quyết phá sản đứng thứ 98; giảm tương ứng 3 và 5 bậc so với năm 2018).

Theo bà Thảo, những kết quả đánh giá nêu trên cho thấy, mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về NLCT, song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao NLCT của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng cho người dân. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của các bên liên quan, nhất là cộng đồng DN và người dân.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, báo cáo năm nay của WEF cũng đưa ra thông điệp đáng chú ý là, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu sự tương quan giữa NLCT của nền kinh tế và sự phát triển bền vững, giữa NLCT và mức độ gắn kết xã hội và cho thấy rằng, không nhất thiết phải có sự đánh đổi giữa thành tựu kinh tế và phát triển bền vững, giữa câu chuyện thành công trong kinh tế và các vấn đề xã hội. Một nền kinh tế hoàn toàn có thể hướng đến và đạt được tất cả các mục tiêu này. Đây cũng là một định hướng, xu hướng mà Chính phủ Việt Nam đang kiên định theo đuổi.

Theo Thiện Trần/Thời báo tài chính Việt Nam

Theo Thiện Trần/Thời báo tài chính Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/viet-nam-la-quan-quan-ve-toc-do-cai-thien-nang-luc-canh-tranh-toan-cau/20191011095303702