Việt Nam là thị trường nhập khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ

Nhiều loại trái cây tươi cao cấp từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc như nho, táo, cherry và mới đây nhất là cam Sunkist của Mỹ đã có mặt trên kệ hàng của một số siêu thị tại Việt Nam.

Việt Nam đang là thị trường nhập khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguồn: Internet

Thị trường với 97 triệu dân, với sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu cũng như nền kinh tế tăng trưởng ổn định và sự hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn đã khiến nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, nông sản từ Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… tìm đường vào Việt Nam.

Với những nỗ lực mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp Mỹ và sự phối hợp của phía Việt Nam, ngay trước Tết nguyên đán, cam Sunkist của Mỹ đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối.

Sunkist Growers, hiệp hội phi lợi nhuận của những người trồng cam quýt 126 năm tuổi của Mỹ cho biết đã được cấp phép xuất khẩu cam vào Việt Nam. Loại quả này đã hiện diện tại hệ thống E-Mart, chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức và chuẩn bị lên kệ ở Vinmart.

Như vậy, sau táo, nho, anh đào, lê và việt quất, cam là trái cây tiếp theo của Mỹ được nhập chính ngạch về Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam là thị trường nhập khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ, trong khi Mỹ cũng là thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu trái cây của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu trái cây tươi của nước này vào Việt Nam trước khi có cam đạt 97 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 46% so với cùng kỳ 2018.

Ông Benjamin Petlock, Tham vấn Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ nói rằng, mở cửa thị trường Việt Nam cho cam là một thành quả to lớn sau nhiều năm nỗ lực.

Nhìn vào ngoại tệ chi nhập khẩu rau quả, trong đó trái cây chiếm phần lớn trong năm 2019 cũng thấy được thị trường Việt Nam thực sự tiềm năng với các nhà xuất khẩu rau quả nước ngoài. Kim ngạch nhập khẩu rau quả trong cả năm 2019 đạt 1,775 tỷ USD, tăng 1,8% so với mức 1,743 tỷ USD của năm 2018,

Trong đó, Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất, đạt gần 465 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập từ nước này giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2.

Sau Thái Lan, Mỹ, Australia là những thị trường Việt Nam nhập nhiều rau quả và đang tiếp tục gia tăng khi các FTA có hiệu lực.

Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Australia trong năm 2019 đã tăng 21,5% so với 2018, thời điểm CPTPP chưa có hiệu lực, với giá trị 4,558 tỷ USD, trong đó, trái cây, hàng tiêu dùng, sữa… chiếm tỷ trọng lớn.

Với thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu trái cây tươi, các nhà vườn thuộc Hiệp hội Nho tươi Australia đã liên tiếp tới Việt Nam tiếp thị nho. Đầu tháng 12/2019, 6 nhà trồng nho từ Sunraysia, vùng trồng nho cung cấp đến 99% sản lượng nho xuất khẩu của Australia đã đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để quảng bá trái cây cao cấp.

Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu nho tươi lớn thứ tư của Australia. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại để tăng sản lượng xuất khẩu liên tục được ngành nho nước này chú trọng. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, các nhà trồng nho Australia đã có 2 chuyến đi quy mô lớn tới Việt Nam để tìm đường xuất khẩu các loại trái cây, trong đó tâm điểm là trái nho trồng theo mùa.

Bà Justine Coates, Giám đốc Thương mại Quốc tế của Hort Innovation cho biết, Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng của Australia và ngành nho tươi Australia đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và quảng bá sản phẩm nho tươi tới người tiêu dùng Việt Nam.Trong năm qua, xuất khẩu nho tươi của Australia đã tăng trưởng 33%, trong đó xuất khẩu nho tươi sang Việt Nam tăng 81%

“Chúng tôi dự đoán trong năm 2020, hai sản phẩm nho tươi được nhập khẩu chính vào Việt nam là nho không hạt Thompson và Crimson sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,4% và 6,6%. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng lượng nhập khẩu nho tươi vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm tới", bà Justine Coates kỳ vọng.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-la-thi-truong-nhap-khau-trai-cay-lon-thu-9-cua-my-d114520.html