Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc và thiết bị nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030, lĩnh vực trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thủy sản đạt 90%, đánh bắt bảo quản là 95%, diêm nghiệp đạt 90%, lĩnh vực lâm nghiệp đạt 50%...

Hiện cả nước có 1.803 doanh nghiệp cơ khí nhưng mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu máy nông nghiệp tại Việt Nam.

Chiều 15/1/2024, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến "Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam".

NHIỀU YẾU KÉM TRONG CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP

Chủ trì hội thảo, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu một số thành tích nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2023, trong đó có xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,83% - mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đó là, quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng tương đối cao, năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ cơ giới hóa thấp, mức độ đồng bộ cơ giới hóa cũng thấp, mới tập trung ở một số khâu, một số loại sản phẩm dẫn đến sức cạnh tranh nông nghiệp chưa cao.

“Việc nâng tỷ lệ chế biến và chế biến sâu của ngành chuyển biến còn chậm. Trong khi thế giới người đã "xuất gói" thì Việt Nam vẫn chủ yếu "xuất bao". Lượng xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu ở dạng thô. Vì thế, chưa tạo được sức bật, gây cản trở không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế", ông Tiến nêu thực tế.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp".

Nguyên nhân của tình trạng trên được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, là do trình độ khoa học và công nghệ còn tương đối thấp. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi trước khi đẩy nhanh, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

"Hiện cả nước có 1.803 doanh nghiệp cơ khí nhưng mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu máy nông nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn thiếu hành lang pháp lý và đầu tư cho công tác kiểm định và giám định chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp,…"

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp đang có mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ vào khoảng 30%.

Việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại như chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng. Thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức thiết bị trung bình ở các nước ASEAN. Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc trong nước chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường máy nông nghiệp hiện được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.

CƠ HỘI CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU ĐẾN ĐẦU TƯ

Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh thị trường máy nông nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu có độ phủ sóng hạn chế trên thị trường Việt Nam, do trong tiềm thức của người Việt lâu nay hình thành suy nghĩ "đồ của châu Âu thường đắt".

“Italia thường giữ vị trí trong số 20 nhà cung cấp máy móc hàng đầu cho Việt Nam, đồng thời thuộc tốp 3 các nhà cung cấp lớn của châu Âu. Hy vọng hai bên sẽ sớm hình thành mối quan hệ hợp tác chặt chẽ từ các nhà phân phối, đại lý cho đến nhà sản xuất địa phương”.

Ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam.

“Do nhu cầu cao về máy móc nông nghiệp mà việc năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế. Vì vậy, dư địa thực sự vẫn còn đáng kể cho các giải pháp cơ giới hóa và hiện đại hóa. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng cơ hội này bằng cách cung cấp các công nghệ tiên tiến, giải pháp phù hợp và máy móc nông nghiệp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đóng góp vào sự phát triển của ngành tại Việt Nam”, ông Fabio De Cillis chia sẻ.

Phát triển của nông nghiệp thông minh là một trong những hướng đi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Italia đóng góp vào việc phát triển các phương pháp canh tác thông minh, với các giải pháp có giá cả phải chăng, thích ứng cao với nhu cầu địa phương của nông dân", ông Fabio De Cillis gợi ý, đông thời cho rằng các doanh nghiệp châu Âu; trong đó, có doanh nghiệp Italia cần tiếp cận thị trường một cách năng động và siêng năng, đánh giá cẩn thận những sản phẩm phù hợp nhất để quảng bá với các khu vực mục tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường kỹ lưỡng để xác định chiến lược hiệu quả để thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam.

"Những động lực khác nhau trong ngành nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm địa phương, nhu cầu thị trường và sự chênh lệch giữa các vùng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Italia phải tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường kỹ lưỡng để xác định các chiến lược hiệu quả và hiệu quả nhất để thâm nhập và mở rộng thị trường", ông Fabio De Cillis khuyến cáo.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp Italia cho biết sự mở cửa trong thương mại quốc tế của Việt Nam là động lực hấp dẫn cho công ty châu Âu tham gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, thị trường máy móc và thiết bị nông nghiệp đang tiềm năng sẽ mang lại cơ hội tích cực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Italia trước đây cũng xuất phát từ nông nghiệp. Chẳng hạn, hãng xe nổi tiếng Lamborghini vốn có xuất phát điểm từ một nhà máy sản xuất máy kéo. Trên cơ sở đó, Italia có nhiều nét tương đồng và hỗ trợ tương đối tốt cho thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam, nơi có tiềm năng to lớn nhưng thiết bị đa số hiện tụt hậu so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

Qua nhiều năm tìm hiểu, thâm nhập thị trường, các nhà phân phối từ Italia quyết định và cam kết đầu tư nhiều hơn vào mạng lưới đại lý, nhà phân phối để thâm nhập thị trường Việt Nam. Các nhà phân phối trung gian này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối và tiếp cận máy móc nông nghiệp.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-la-thi-truong-tiem-nang-cho-cac-doanh-nghiep-san-xuat-may-moc-va-thiet-bi-nong-nghiep.htm