Việt Nam lần đầu thăng hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ

Ngày 18.1 tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First (EF) tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố chỉ số đánh giá Anh ngữ (EF EPI). Dựa trên bài kiểm tra dành cho hơn 5 triệu người lớn thuộc 60 quốc gia trong vòng 6 năm (2007-2013), kết quả cho thấy Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc về khả năng thông thạo tiếng Anh.

VN được đánh giá có nhiều tiến bộ vượt bậc khả năng sử dụng Anh ngữ.

Tại Châu Á, Indonesia và Việt Nam đã có sự tiến bộ về sử dụng tiếng Anh trong vòng 6 năm qua. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 31/54 nhưng năm 2013 đã vượt lên, xếp thứ 28/60 thứ tự các nước có chỉ số thông thạo tiếng Anh cao.

Vị trí này thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan và Đài Loan (TQ) trong bảng xếp hạng. Cùng với đó là sự thay đổi rõ rệt của các nước như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong việc sử dụng thông thạo tiếng Anh của người dân. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong khi các nước Châu Âu đã phát triển khả năng Anh ngữ hoặc đang tiến sát đến mục tiêu đó thì Pháp lại hoàn toàn đi theo quỹ đạo khác.

Giám đốc dự án chuyên trách của EF - ông Trần Ngạn Minh - cho rằng: “Người Pháp rất tự hào về văn hóa và ngôn ngữ bản xứ nên các chương trình giáo dục ngoại ngữ của Pháp luôn tính đến việc mở rộng hơn nữa cộng đồng Pháp ngữ, đó là lý do khiến tiếng Anh không được Chính phủ Pháp quan tâm nhiều!”. Đứng cuối bảng là các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Cũng theo ông Trần Ngạn Minh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của EF, Việt Nam là quốc gia có chỉ số EF EPI ở vị trí trung bình và nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số EF tăng nhanh nhất, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Hungary và Indonesia.

“Đây đều là 5 nước đang phát triển, để hội nhập và tăng mức sống thì việc học tiếng Anh rất quan trọng, bởi đây là tiêu chí đầu tiên để công dân các nước có thể hội nhập toàn cầu. Lợi thế của Việt Nam là hơn 60% dân số dưới 35 tuổi, đây là điều kiện tốt để người dân dễ dàng học và tiếp cận tiếng Anh nhiều hơn” – ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa khả năng sử dụng tiếng Anh, đại diện của EF cũng chỉ ra rằng, ngoài việc đầu tư thỏa đáng và có trọng tâm cho phát triển giáo dục Anh ngữ, Việt Nam cần thay đổi phương pháp giáo dục, bắt đầu từ chính giáo viên.

“Điều quan trọng nhất là học để giao tiếp chứ không chỉ là ngữ pháp đơn thuần, vì thế giáo dục Anh ngữ ở Việt Nam hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc sử dụng tiếng Anh, khám phá tiếng Anh trong thực tế, giảm thiểu tối đa, tiến tới ngừng hẳn phương pháp sử dụng tiếng Việt để dạy tiếng Anh cho học sinh, sinh viên” – ông Minh nói.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/viet-nam-lan-dau-thang-hang-chi-so-thong-thao-anh-ngu-174668.bld