Việt Nam luôn thuộc nhóm nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới

'Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%. Tính đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD'.

Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng Báo cáo đánh giá đa chiều (MDCR) nhằm góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. Để thảo luận về các nội dung liên quan đến MDCR, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Tọa đàm giữa Tổ Biên tập của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội với Nhóm chuyên gia nghiên cứu của OECD.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở mức cao

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%. Tính đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, điển hình thể hiện ở năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, chưa thực sự dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng - một trong những chương trình cải cách trọng tâm của Việt Nam vẫn chưa đạt bứt phá như kỳ vọng. Trong khi đó, sự tiến bộ về xã hội vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế. Suy thoái môi trường đi cùng với tăng trưởng đang là những vấn đề thách thức tính bền vững của mô hình phát triển của Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn giữ ở mức cao

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, những thành công đạt được trong quá trình phát triển đến nay đặt ra nhiều kỳ vọng lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong hoạch định con đường phát triển của tương lai, nhằm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Việt Nam đang xây dựng các dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện theo các cam kết của Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; có thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 10.000 USD.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới

Tại Tọa đàm, Nhóm Nghiên cứu của OECD đã trình bày về các kết quả nghiên cứu của Báo cáo Đánh giá quốc gia đa chiều đã được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 02 đến tháng 9/2019 để các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện cũng như đề xuất các khuyến nghị, kế hoạch hành động và xác định các chỉ số đánh giá kết quả chính (KPI) nhằm theo dõi quá trình thực hiện.

Theo đánh giá của OECD, hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (tính theo tỷ trọng thương mại GDP) và đạt tốc độ tăng trưởng cao, là một trong những quốc gia mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đạt được kết quả tốt về phát triển con người và xã hội bao trùm, trong đó có thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, mức sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Đối với mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao và hỗ trợ thiết lập các mối liên kết, OECD cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia rất thành công trong thu hút FDI và Việt Nam có thể tận dụng FDI tốt hơn để phát triển bền vững. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục có khung chính sách mới để thu hút FDI.

Tất cả ảnh Video Text Cập nhật

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201910/viet-nam-luon-thuoc-nhom-nen-kinh-te-co-toc-do-tang-truong-cao-tren-the-gioi-cb13a20/