Việt Nam muốn có bước đệm sau tốt nghiệp vay vốn

Việt Nam muốn bước đệm này để có thời gian thích nghi với các điều kiện vay vốn kém ưu đãi mới.

Đại diện lãnh đạo ADB và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại buổi làm việc ngày 06/11.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có buổi làm việc với ông In-chang Song - Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phụ trách Hàn Quốc, Papua New Guinea, Sri Lanka, Đài Loan-Trung Quốc, Uzbekistan, Vanuatu và Việt Nam.

Tại buổi làm việc này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với ADB và xem ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn. Sự hỗ trợ của ADB đã phát huy hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi, Chiến lược ADB 2030 đã xác định một số sản phẩm mới như bảo lãnh, hỗ trợ tư nhân, PPP… Đây là những sản phẩm tương đối mới với các cơ quan của Việt Nam.

Theo đó, Phó thống đốc đề nghị ông In-chang Song chỉ đạo Văn phòng Nhóm phối hợp với các bộ phận của ADB và Ngân hàng Nhà nước có những hướng dẫn, phổ biến các sản phẩm trên để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - ADB trong điều kiện mới.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh: mặc dù Việt Nam vừa chính thức tốt nghiệp Quỹ Phát triển Châu Á (ADF), song Chính phủ Việt Nam đề nghị ADB xem xét gia hạn thời gian hỗ trợ Việt Nam sau chuyển đổi không phải đóng phí kỳ hạn dài hơn so với dự thảo (đến 31/12/2024 thay vì đóng từ cuối năm 2022 như dự thảo) để giúp Việt Nam có thời gian thích nghi với các điều kiện vay vốn kém ưu đãi mới.

Ngân hàng Nhà nước hy vọng ông In-chang Song sẽ có tiếng nói quan trọng tới Ban lãnh đạo ADB để ủng hộ đề xuất này của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành ADB cho rằng, việc Việt Nam tốt nghiệp (ADF) là một phần quan trọng trong việc rà soát và xây dựng chiến lược của ADB.

Ông In-chang Song tin tưởng rằng trong chiến lược chính sách đến 2030 của ADB có những rà soát, điều chỉnh, trong đó Ban Giám đốc sẽ có những linh hoạt nhất định về trường hợp tốt nghiệp ADF và chính sách trả nợ nhanh của một số quốc gia sau khi tốt nghiệp ADF để hỗ trợ các quốc gia này có lộ trình tốt nghiệp một cách tốt nhất.

Cũng theo ông In-chang Song, ADB sẽ có những cơ chế hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam để Việt Nam vừa tốt nghiệp được nguồn vốn ADF mà không gián đoạn công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

THANH BÌNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/viet-nam-muon-co-buoc-dem-sau-tot-nghiep-vay-von-3526595.html