'Việt Nam muốn xây dựng một Xã hội thông tin lành mạnh'

Trao đổi với Đại sứ Anh Giles Lever, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, tự do nhưng cũng tuân thủ và tôn trọng luật pháp.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Anh Giles Lever.

Quan điểm này được người đứng đầu ngành TT&TT nêu rõ với Đại sứ vương quốc Anh trong cuộc tọa đàm sáng nay, 8/9, khi hai bên đề cập đến khả năng hợp tác trong lĩnh vực thông tin - truyền thông trong giai đoạn tới.

Chia sẻ tại cuộc gặp, Bộ trưởng khẳng định giữa hai nước đã có quan hệ hợp tác tốt đẹp trong thời gian gần đây. Anh hiện là một trong số các đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và hai nước đã nâng tầm quan hệ lên cấp đối tác chiến lược vào tháng 9/2010. Sự hợp tác giữa hai nước trải đều trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục... và Thông tin - Truyền thông cũng là một trong những điểm sáng, với những hoạt động như Bộ TT&TT phối hợp ĐSQ Anh tổ chức Lớp bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn, Lớp bồi dưỡng kỹ năng đưa tin trong các sự kiện lớn; tổ chức nhiều đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm tại Anh trong các lĩnh vực đào tạo, báo chí, xúc tiến đầu tư CNTT...

Chúc mừng Bộ trưởng trên cương vị mới, Đại sứ Lever khẳng định Chính phủ Anh sẵn sàng phối hợp thường xuyên với Bộ TT&TT để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước. Ông cũng mong muốn tìm hiểu thêm về kế hoạch và các ưu tiên của Bộ trong giai đoạn 5 năm tới để phát triển lĩnh vực TT&TT và bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong lĩnh vực truyền thông với Việt Nam.

Trước mối quan tâm của ngài Đại sứ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua, thể hiện ở Việt Nam đang có tới 856 cơ quan báo in, 125 báo điện tử, 67 đài truyền hình với 175 kênh chương trình, một hãng thông tấn quốc gia. 32 hãng thông tấn nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam... Các ngành CNTT, viễn thông đều đạt được những thành tựu to lớn, khẳng định vai trò "động lực của mọi sự phát triển". Tính đến tháng 4/2015, Việt Nam hiện có khoảng 127 triệu thuê bao di động, 36 triệu thuê bao 3G, tổng doanh thu viễn thông đạt 16 tỷ USD, doanh thu Công nghiệp CNTT hơn 40 tỷ USD... Hàng năm Việt Nam đón hơn 200 đoàn nhà báo (hơn 1000 phóng viên) tới tác nghiệp, đưa tin bài, phóng sự về Việt Nam.

Tuy vậy, bên cạnh sự phát triển vũ bão thì hoạt động báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin điện tử của Việt Nam cũng đã nảy sinh một số vấn đề trong thời gian qua. Bộ trưởng đã dẫn ra một số thí dụ: Nhiều thông tin báo chí đưa sai dẫn đến gây sai lệch dư luận nghiêm trọng, hệ lụy khôn lường.

"Luật Báo chí sửa đổi 2016 của chúng tôi rất cởi mở khi quy định tất cả các cơ quan, tổ chức đều có thể thành lập cơ quan báo chí. Nhưng theo dự đoán, với sự cởi mở này thì báo chí Việt Nam sẽ nở rộ trong thời gian tới. Do đó, cần có một quy hoạch báo chí để báo chí phát triển đúng hướng, lành mạnh, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của mình, tránh lãng phí nguồn lực", Bộ trưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, hiện tượng một số phóng viên vòi vĩnh doanh nghiệp, cá nhân, gây áp lực để thu hút quảng cáo cũng đã xuất hiện.

"Tôi đã phê phán công khai hành vi đó là vi phạm đạo đức người làm báo. Báo chí phải trung thực, khách quan. Báo chí cũng không có quyền, không được phép suy diễn, đẩy vấn đề trầm trọng hơn thực tế vốn có", ông nói. Nhưng mặt khác, không phải thông tin đúng sự thật nào cũng nên đưa lên mặt báo, nhất là khi chúng ảnh hưởng đến đời tư cá nhân, thậm chí là số phận con người, Bộ trưởng lưu ý. Hoặc những thông tin có ảnh hưởng lớn đến xã hội, nhà báo cần cân nhắc khi đưa tin, nếu đưa thì với liều lượng nào là hợp lý, tránh kết tội, kết luận thay cơ quan điều tra, cơ quan chức năng....

Hiện tại, Bộ TT&TT đang xem xét xây dựng Bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghiệp vụ báo chí dành cho mọi phóng viên, nhà báo đang hoạt động tại Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, Bộ có thể tham khảo một số kinh nghiệm các nước, trong đó có cả một số cơ quan báo chí của Anh, tuy nhiên tinh thần chung là Bộ Quy tắc này phải được dựa trên nền tảng đạo đức và đặc thù xã hội của Việt Nam.

"Chúng tôi muốn hướng tới một nền báo chí hiện đại, lành mạnh, trung thực và khách quan", Bộ trưởng khẳng định, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều dịp trao đổi thêm với Đại sứ về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí - giống như Việt Nam đang hợp tác với Thụy Điển 5 năm qua.

Tán đồng với những chia sẻ thẳng thắn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại sứ Lever thừa nhận đây là những vấn đề rất khó, rất phức tạp và bản thân nước Anh cũng gặp phải. Hoạt động báo chí tại Anh gần đây cũng gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức khi báo chí đưa tin một số vụ án quá kỹ, khai thác bất hợp pháp các khía cạnh đời tư, thậm chí là do thám đời tư gia đình, bản thân nạn nhân... "Hiện chúng tôi cũng chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả cho việc này và vẫn phải phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện tuân thủ đạo đức báo chí của các cơ quan truyền thông".

Ông cho rằng điều mà Chính phủ nên làm là tập trung xây dựng các quy chuẩn, chuẩn mực báo chí, như không công bố thông tin nếu chưa được sự xác nhận của nhiều nguồn khác nhau, phải có cơ chế xác thực thông tin chặt chẽ. "Nhà báo cần hiểu sự thật, sự chính xác là quan trọng nhất. Họ cần phân biệt đâu là sự thật với đâu là ý kiến, quan điểm cá nhân. Các nhà báo có quyền đưa ra quan điểm, đánh giá riêng của mình, nhưng khi đó, họ phải nói rõ với độc giả rằng đấy là quan điểm của cá nhân họ, không phải là sự thật hay bản chất câu chuyện".

Hai bên cũng thể hiện quan điểm thống nhất về vai trò quan trọng của người phát ngôn. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam rất minh bạch, cởi mở trong việc cung cấp thông tin tới người dân và các cơ quan báo chí. Luật Tiếp cận thông tin đã được thông qua... Thông tin ban đầu không bị kiểm duyệt mà chỉ xem xét xử lý nếu báo chí đưa tin sai. Chính phủ cũng rất lắng nghe các ý kiến của người dân trên diễn đàn, mạng xã hội để điều chỉnh những chính sách không hợp lý... Từng chủ trì nhiều cuộc họp báo của Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định ông sẵn sàng đối thoại với phóng viên báo chí trong và ngoài nước, song cũng mong muốn các câu hỏi cần có chiều sâu và thiện chí.

Bên cạnh chủ đề truyền thông, Bộ trưởng và ngài Đại sứ cũng mong muốn tới đây, Việt Nam và Anh có thể hợp tác trên các lĩnh vực khác thuộc Bộ TT&TT quản lý như CNTT, viễn thông. "Việt Nam đang rất muốn vươn lên trở thành nước mạnh ở khu vực về CNTT. Hiện chúng tôi mới chỉ có 500.000 lao động trong lĩnh vực này, để đạt mục tiêu đó cần tối thiểu 1 triệu nhân lực CNTT - viễn thông trình độ cao. Rất mong ngài Đại sứ sẽ là cầu nối thúc đẩy các chương trình đào tạo, hợp tác bưu chính viễn thông, CNTT giữa hai nước trong thời gian tới", Bộ trưởng chia sẻ.

Về phần mình, Đại sứ Anh Giles Lever khẳng định phía Anh cũng đang rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực TT&TT và hiện đang xúc tiến một số dự án hợp tác công nghệ cao với Việt Nam.

T.C

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/325531/viet-nam-muon-xay-dung-mot-xa-hoi-thong-tin-lanh-manh.html