Việt Nam - Na Uy: Thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Vương quốc Na Uy từ ngày 24 - 26/5, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Na Uy có tốc độ tăng trưởng khả quan. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 363 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy, gồm: Dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều; Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, sản phẩm hóa chất, sắt thép.

Đặc biệt, tháng 3/1994, Na Uy đã ký Hiệp định hàng dệt may theo chế độ hạn ngạch và đến năm 1998 hủy bỏ chế độ hạn ngạch cho hàng dệt may của Việt Nam; tháng 11/2006, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam - Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại - đầu tư giữa hai nước.

Na Uy là một trong những nước sớm kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với Việt Nam. Tháng 3/2012, Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trước đó, Khối EFTA đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Hiện hai bên đã tiến hành được 16 phiên đàm phán.

Về đầu tư, Na Uy có 41 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 40 DN Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông - lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông. Vốn đầu tư của Na Uy chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, hiện các DN Việt Nam vẫn chưa có dự án đầu tư trực tiếp sang Na Uy.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Na Uy cũng đạt nhiều thành tựu kể từ khi hai bên ký Hiệp định Khung về hợp tác phát triển (tháng 10/1996). Theo đó, Na Uy hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD). Na Uy còn là đối tác tích cực triển khai hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo… góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Theo Bộ Ngoại giao, Na Uy cũng có những hỗ trợ tích cực cho Việt Nam với tổng viện trợ đạt hơn 320 triệu USD. Dù khối lượng viện trợ của Na Uy nhỏ nhưng thủ tục và quy trình rất linh hoạt, phù hợp với những quy định của Việt Nam. Bên cạnh đó, Na Uy cũng có Chương trình tín dụng ưu đãi cho các dự án cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh ở Việt Nam.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, quan hệ Việt Nam - Na Uy không ngừng được củng cố, phát triển. Đặc biệt, hai bên đã tích cực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-na-uy-thuc-day-hop-tac-tren-nhieu-linh-vuc-120082.html