Việt Nam năm 2022 qua góc nhìn quốc tế

Nhìn lại một năm đã qua, cộng đồng quốc tế nhận định Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc, ổn định trong kinh tế cũng như đạt nhiều thành tựu trong cải thiện đời sống người dân.

Tổng Giám đốc World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk:
Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ

Bà Carolyn Turk.

Bà Carolyn Turk.

Có thể thấy rõ nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất tốt, trong đó World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 7% trong năm nay, phần lớn nhờ vào nhu cầu gia tăng về tiêu dùng nội địa và đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, mà yếu tố đầu tiên là đến từ sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với độ mở nền kinh tế lên tới 200% GDP, triển vọng của kinh tế Việt Nam không thể tách biệt khỏi những biến động của kinh tế toàn cầu.

Theo đó, về góc độ Chính phủ, tôi cho rằng Việt Nam nên xúc tiến đầu tư hướng tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường năng lực các ngành may mặc, điện tử, và công nghiệp sản xuất. Nhưng rõ ràng về tương lai Việt Nam vẫn phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu và do đó cần xúc tiến các bước đi nhằm đa dạng hóa thị trường và duy trì tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu vào lúc này, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam có thể thúc đẩy mục tiêu trên.

Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn còn không gian tài khóa để thực hiện các khoản đầu tư sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai. Một lĩnh vực đầu tư khác cần ưu tiên là chuyển đổi số. Việc triển khai hiệu quả các dự án này sẽ giúp thúc đẩy năng suất lao động, tiến tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đảm bảo tính hiệu quả trong các dự án đầu tư và mở rộng những hoạt động đầu tư phù hợp với cam kết của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ủy viên quan hệ kinh tế về Đông Nam Á - bang North Rhine Westphalia (CHLB Đức) Karl-Uwe Bütof:
Kinh tế xanh có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam

Ông Karl-Uwe Bütof.

Trở lại Việt Nam sau 10 năm, tôi thực sự ấn tượng với những thay đổi của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là sự phát triển của hạ tầng giao thông, kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, cam kết trung hòa carbon của Việt Nam cho tới năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị khí hậu COP 26 rất tham vọng, thể hiện các bạn không chỉ muốn phát triển hơn nữa, mà là phát triển bền vững hơn nữa.

Đó cũng là mục tiêu mà Đức hướng tới cho tới năm 2045, như vậy chúng ta có mục tiêu chung trong phát triển bền vững, từ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuyển đổi rác thải thành năng lượng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh Đức muốn tập trung và tăng cường quan hệ với các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng.

Đức và Việt Nam có thể hợp tác để tiến gần hơn tới những mục tiêu này. Việc đầu tư một cộng đồng các DN startup chất lượng và phát triển bền vững, với tiềm năng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế được Đức rất coi trọng, và tại Việt Nam cũng đang dần hiện hữu. Để mang đến những ý tưởng mới cho các công ty khởi nghiệp, các viện nghiên cứu và các trường đại học đều hợp tác để “lưu chuyển” kiến thức từ lý thuyết vào thực tế. Chúng tôi đang khuyến khích mô hình như vậy ở Việt Nam để đưa ra những giải pháp kinh tế hiệu quả nhất.

Giám đốc ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries:
Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI

Ông Andrew Jeffries.

Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ ở mức 6,7%, trong đó các rủi ro từ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, qua đó có thể tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam, vốn là một trong những động lực chính cho nền kinh tế.

Về tầm nhìn hướng tới mục tiêu phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức 6,5 - 7,5% từ nay cho tới năm 2045. Để đạt mục tiêu này, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng tầng lớp trung lưu, và hỗ trợ cộng đồng DN phát triển là những ưu tiên quan trọng.

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đưa ra những cam kết mạnh mẽ về môi trường, và cần tìm kiếm các địa điểm đầu tư với định hướng thúc đẩy năng lượng xanh, Việt Nam có lợi thế lớn so với các nước trong khu vực về thu hút nguồn vốn xanh thông qua những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.

Theo đó, mục tiêu quan trọng cho Việt Nam là thu hút vốn FDI có chất lượng, thay vì số lượng, nhằm hỗ trợ DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cũng như tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper:
Nhiều minh chứng tích cực cho việc cải thiện đời sống, sinh kế người dân

Ông Marc E. Knapper.

Chỉ trong hơn 9 tháng tại Việt Nam vừa qua, với những trải nghiệm trên đất nước hình chữ S, tôi cảm nhận những chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống và sinh kế của người dân Việt Nam. 15 năm trước, để tới thăm Vịnh Hạ Long, tôi mất 4 tiếng rưỡi trên con đường 2 làn, còn giờ chỉ 2 tiếng trên con đường 6 làn xe.

Việc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, những con đường, sân bay, cho phép kết nối dễ dàng hơn đến vùng xa xôi như phía Bắc hay Tây Nguyên là minh chứng tích cực trong cải thiện đời sống, sinh kế người dân Việt Nam. Hiện nay, hợp tác về y tế trở thành trụ cột trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.

Chúng tôi đã nhận thấy những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực này từ Chính phủ Việt Nam tới chính quyền các địa phương. Cùng với đó, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị khí hậu COP26 về phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng xuống mức 0 tới năm 2050 là rất ấn tượng. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực này đã và đang được thể hiện trong khu vực và toàn cầu, khi bắt đầu những nỗ lực chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, xanh.

Ngọc Lâm - Tú Anh (ghi)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-nam-2022-qua-goc-nhin-quoc-te.html