Việt Nam nên lựa chọn Karakurt hay bản nâng cấp của Molniya 1241.8?

Tại Diễn đàn quân sự quốc tế Army 2018 vừa diễn ra, Nga đã lần đầu tiên giới thiệu mô hình nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1241.8 với mục đích tìm kiếm khách hàng.

 Sự kiện trên đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của giới quan sát tình hình quân sự quốc tế.

Sự kiện trên đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của giới quan sát tình hình quân sự quốc tế.

Đặc biệt hơn, trong đó không thể bỏ qua những khách hàng được đánh giá là tiềm năng nhất của lớp chiến hạm này trong đó có Hải quân nhân dân Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam đã hoàn thành chế tạo 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 theo giấy phép của Nga.

Sau đó trên báo chí Nga xuất hiện nhiều thông tin cho rằng chúng ta đang thảo luận về việc sẽ đóng thêm 4 tàu nữa với cấu hình vũ khí mạnh hơn (có thể mang theo tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont hoặc Klub-N).

Như vậy có thể thấy rằng nếu như thông tin trên là chính xác thì phiên bản nâng cấp của Molniya 1241.8 chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Việt Nam, trong đó nổi bật vẫn là vấn đề hỏa lực của con tàu.

Căn cứ vào mô hình được Nga mang đi triển lãm, biến thể hiện đại hóa của Molniya 1241.8 đã chú trọng vào vấn đề hạn chế diện tích phản xạ radar bằng một thiết kế góc cạnh cho phần thượng tầng cũng như tháp pháo AK-176MA và AK-630M.

Đi kèm với đó, các ống phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran cũng được đưa về giữa tàu và quay ngang chứ không để dọc thân nữa, điều này dẫn tới làm giảm cơ số đạn chỉ còn một nửa.

Nếu như Nga có ý định cho Molniya 1241.8 phiên bản mới sử dụng tên lửa Kh-35UE với tầm bắn nối dài lên 260 km thì có lẽ cũng chưa lấp đầy được khoảng trống, nhất là khi biến thể cũ hoàn toàn đủ khả năng mang loại vũ khí này.

Bên cạnh đó phải đề cập tới vấn đề nữa đó là hệ thống cảm biến của con tàu mới đã bị tiết giảm bằng việc loại bỏ radar trinh sát Pozitiv-ME, khiến tàu mất khả năng quan sát cảnh báo sớm từ xa.

Trên con đường tiến lên hiện đại, Hải quân Việt Nam cần chiến hạm không những có hỏa lực mạnh hơn mà còn phải sở hữu tầm hoạt động xa và bám biển dài ngày.

Với các nhược điểm trên của Molniya 1241.8 nâng cấp và trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì có lẽ chúng ta nên tiến thẳng lên lớp Karakurt - Dự án 22800.

Đặt cạnh Molniya 1241.8, dễ dàng nhận thấy Karakurt nổi trội hơn nhiều từ hỏa lực chống hạm (bệ phóng đa năng UKSK tương thích tên lửa Klub-N), cho tới phòng không (được trang bị Pantsir-M so với chỉ 2 khẩu AK-630M).

Ngoài ra hệ thống cảm biến (tích hợp cả 4 mảng radar quét chủ động AFAR lẫn radar điều khiển hỏa lực Mineral-ME) của Karakurt cũng ưu việt hơn hẳn Molniya 1241.8.

Về thiết kế, khả năng tàng hình của Karakurt chẳng hề kém cạnh bản nâng cấp của Molniya 1241.8 cho dù kích thước lớn hơn.

Tàu còn có tầm hoạt động lên tới 2.500 hải lý và thời gian bám biển liên tục 15 ngày (con số tương ứng ở Molniya là 1.650 hải lý và 10 ngày).

Trở ngại duy nhất của Karakurt 22800 so với Molniya 1241.8 nằm ở giá thành chắc chắc sẽ cao hơn nhiều.

Tuy nhiên với chủ trương tiến thẳng lên hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam thì việc đầu tư vào lớp chiến hạm có nhiều ưu điểm hơn hẳn vẫn là điều nên làm.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-viet-nam-nen-lua-chon-karakurt-hay-ban-nang-cap-cua-molniya-12418/780346.antd